• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BVĐKTW Quảng Nam ứng dụng kỹ thuật cao “ Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)” trong khám, chữa bệnh

Vừa qua, ekip nội soi của  khoa Nội Tiêu Hóa BVĐK TW Quảng Nam vừa cấp cứu 1 trường hợp nhiễm trùng nặng bằng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). 

Bệnh nhân nữ 76 tuổi, trú tại Núi Thành – Quảng Nam, vào viện trong tình trạng đau bụng 3 ngày, mệt lừ đừ, môi khô lưỡi bẩn. Tại cấp cứu bác sĩ nhanh chóng khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy nữ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ đường mật/ Viêm đường mật Grade III/ sỏi ống mật chủ.

Song song với việc hồi sức tích cực cho bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa chuyên khoa Hồi sức, Ngoại tổng hợp, Nội tiêu hóa cũng tiến hành hội chẩn. Bệnh nhân sau đó được chỉ định lấy sỏi ống mật chủ bằng thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Sau khi được lấy sỏi cấp cứu, người bệnh hồi phục nhanh, giảm đau bụng, thoát khỏi nguy kịch.

  
Hình ảnh viên sỏi được lấy ra khỏi ống mật của bệnh nhân

 

PV: Được biết Bs Hùng là người trực tiếp thực hiện ca nội soi lấy sỏi cho bệnh nhân bằng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng, bác sĩ đánh giá như thế nào về ca bệnh này trước và sau khi nội soi?

BS Tô Ngọc Hùng: Ca bệnh này nhập viện với tình trạng rất nặng, có nhiễm trùng huyết, tuy nhiên sau khi nội soi lấy sỏi và điều trị bằng kháng sinh, hồi sức thì tình trạng bệnh tiến triển rất tốt. Hiện tại sinh hiệu bệnh nhân ổn, ăn uống được, bụng mềm.

PV: Theo BS Hùng nếu không có ERCP thì có phương pháp nào có thể điều trị cho bệnh nhân được không?

BS Tô Ngọc Hùng: Nếu không được làm nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) thì bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để lấy viên sỏi ra, dù bằng cách nào thì viên sỏi cũng phải được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân thì bệnh mới hết đau được. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật bệnh nhân có thể có 1 cái sonde dẫn lưu ở đường mật ra da (dẫn lưu Kehr) và mang như vậy đến 2 tuần, hoặc là bệnh nhân sẽ được nối tắt đường mật vào ruột (nối mật ruột) làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, chăm sóc hậu phẫu phức tạp, nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu và rất nhiều nguy cơ khác. Còn đối với ERCP thì gần như giải phẫu đường mật không bị thay đổi, hậu phẫu bệnh nhân nhẹ nhàng hơn, không có ống dẫn lưu, ăn uống lại sớm hơn, giảm chi phí nằm viện.

BS khám lại cho bệnh nhân sau khi thực hiện lấy ỏi cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Tấn Toàn – Trưởng khoa Nội tiêu hóa cho biết: ERCP kỹ thuật được Bộ Y tế phân loại thủ thuật đặc biệt. Được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam từ năm 2015.

Năm 2015 chúng tôi có 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành phố về lĩnh vực này, đó là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) trong điều trị bệnh lý mật, tụy”.

Ưu điểm của kỹ thuật ERCP là khá an toàn, với tỷ lệ biến chứng thấp, nhưng mang lại hiệu quả điều trị cao. Người bệnh nhanh chóng thoát khỏi nguy kịch (như ca bệnh chúng tôi giới thiệu ở trên), hoặc tránh được các cuộc phẫu thuật qua đó giúp bệnh mau chóng hồi phục hơn. Đây cũng là kỹ thuật được chọn lựa ưu tiên trong điều trị các bệnh lý mật tụy (theo khuyến cáo của Hướng dẫn Tokyo 2018).

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 đơn vị triển khai được kỹ thuật này, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Hy vọng với việc ứng dụng kỹ thuật này trong thời gian tới khoa Nội tiêu hóa nói riêng và Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam sẽ can thiệp và điều trị được cho nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý về mật tụy.

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là một kỹ thuật nội soi với ống mềm đưa qua miệng đến tá tràng sau đó đưa dụng cụ chuyên dụng lên đường mật hoặc đường tụy để chụp hình. Ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường mật - tụy như: sỏi ống mật, sỏi ống tụy, giun chui ống mật sẽ được lấy ra ngoài qua nội soi; tắc mật - tụy do u đường mật, u tụy sẽ được đặt stent dẫn lưu,…

 

 

Tin bài: Bs.Tô Ngọc Hùng - Khoa nội tiêu hóa

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 05 : 9