A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cần thiết của chẩn đoán phân biệt túi phình động mạch chủ bụng và động mạch chậu

 

Cụ bà Nguyễn Thị Hoa (75 tuổi, Quảng Nam) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực, vai, cổ và bụng may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam phát hiện khối phình động mạch chậu chung (dạng túi) kích thước lớn dọa vỡ và được phẫu thuật kịp thời.

Ê kíp các bác sĩ phẫu thuật cho cụ bà N.T.Hoa

Trường hợp  lâm sàng:

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, tiền sử bệnh lý thiếu máu cơ tim, đi khám bệnh với triệu chứng đau vùng bụng. Bệnh nhân đã đi đến nhiều bệnh viện ngoại tỉnh, đã được thăm khám lâm sàng kèm siêu âm bụng tổng quát và siêu âm mạch máu động mạch vùng bụng. Sau mỗi đợt khám bệnh, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định phình động mạch chủ bụng với đường kính ngang 47mm. Bệnh nhân được các bệnh viện cho đơn điều trị nội khoa tại nhà và hẹn tái khám.

Bệnh nhân vẫn tiếp tục xuất hiện các cơn đau âm ỉ vùng bụng nên đã  đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Kết quả chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang và dựng hình không gian 3 chiều của động mạch vùng bụng cho thấy chẩn đoán xác định của bệnh nhân là phình động mạch chậu chung bên phải, hình túi, có đường kính ngang và đường kính trước sau 52 x 53mm. Bệnh nhân được kiểm soát huyết áp và chuẩn bị mổ cấp cứu trì hoãn. Mặc dù xét nghiệm tiền phẫu phát hiện bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2, nhưng vào 16 giờ ngày 17/5 bệnh nhân xuất hiện đau nhiều vùng bụng dưới rốn - dấu hiệu dọa vỡ của túi phình động mạch chậu- bệnh nhân đã được chuyển mổ cấp cứu cắt bỏ túi phình mạch và tái lập lưu thông tuần hoàn động mạch chủ-động mạch chậu phải. Quá trình phẫu thuật và sau mổ diễn tiến thuận lợi. Bệnh nhân tự đi lại sau 3 ngày và xuất viện 1 tuần sau mổ.

Hình ảnh 3 chiều khối phình động mạch chậu phải

Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Lương Tấn- Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cho biết: Phình động mạch chủ bụngphình động mạch chậu là tổn thương mạch máu thường gặp và có thể cùng xuất hiện trên 1 bệnh nhân. Định nghĩa 1 thương tổn là khối phình động mạch khi một đoạn động mạch bị mất sự song song của thành mạch máu và kích thước ngang lớn nhất lớn hơn 1,5 lần đường kính của động mạch ngay trước thương tổn. Khối phình động mạch phát triển âm thầm và có thể không phát hiện được cho đến khi gây ra các biến chứng. Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu không điển hình như đau tức bụng, rối loạn tiêu hoá, phát hiện tình cờ bởi bệnh nhân sờ tay cảm nhận khối phình đập hoặc bởi thăm khám ở cơ sở y tế qua khám sức khoẻ tổng quát hoặc thăm khám một bệnh lý khác ở vùng bụng. Một số bệnh nhân có biến chứng di chuyển huyết khối từ trong khối phình theo dòng máu gây thuyên tắc động mạch ở chân với biểu hiện thiếu máu chân bán cấp hoặc cấp tính đe doạ cắt cụt chân nếu không có can thiệp kịp thời.

Khi khối phình gây đau liên tục hoặc đau bụng nhiều là đã ở giai đoạn dọa vỡ hoặc đã vỡ ra khoang sau phúc mạc hoặc vỡ tự do ra ổ phúc mạc gây choáng mất máu có thể dẫn đến tử vong. Các khối phình mạch hình túi có thể tự vỡ dù có kích thước không quá lớn. Để ngăn ngừa biến chứng tự vỡ của các khối phình mạch lớn, bác sĩ cần nắm rõ chỉ định can thiệp của từng loại phình mạch ở các vị trí khác nhau. Chỉ định mổ hoặc can thiệp một khối phình động mạch chủ bụng hình thoi dưới vị trí xuất phát của hai động mạch thận khi đường kính ngang lớn nhất của khối phình mạch lớn hơn 45-50 mm tuỳ theo cân nặng của bệnh nhân do nguy cơ tự vỡ của khối phình mạch cao. Đối với khối phình của động mạch chậu là một động mạch có kích thước bình thường 7-8 mm thì nguy cơ vỡ tự nhiên sẽ rất cao khi đường kính ngang lớn nhất vượt quá 35mm.

Bác sĩ phẫu thuật kiểm tra mạch đập của động mạch chậu sau tái lập lưu thông động mạch chủ-chậu phải

Như vậy các cơ sở y tế có nguy cơ bỏ lỡ chỉ định can thiệp phẫu thuật một khối phình động mạch chậu lớn khi chẩn đoán xác định nhầm khối phình động mạch chậu với khối phình động mạch chủ chưa có chỉ định can thiệp ngoại khoa. Việc tầm soát bằng khám bụng và siêu âm vùng bụng nên thực hiện định kỳ ở những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch. Khi khám lâm sàng hoặc siêu âm phát hiện có khối phình động mạch, bệnh nhân có thể được chụp cắt lớp vi tính để xác định hình thái tổn thương và có chỉ định điều trị chính xác.

Ngoài can thiệp bằng kỹ thuật mổ hở có thể áp dụng cho mọi hình thái thương tổn, một số khối phình nhỏ ranh giới rõ có thể được can thiệp bằng đặt stent graft nội mạch qua đường chọc kim qua da vào động mạch đùi, giúp bệnh nhân tránh sẹo mổ lớn hơn và nằm viện ngắn hơn.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn tốt, có thể chẩn đoán xác định và điều trị các khối phình động mạch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối phình.

Bệnh nhân lớn tuổi, có yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch có thể đến tầm soát bằng siêu âm Doppler màu và chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ, để được tư vấn về phòng bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Chưa có thông tin
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 12 : 4