• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng các hình thức dạy học tích cực trong giảng dạy lâm sàng cho sinh viên Y khoa

I. MỞ ĐẦU

     Giảng dạy đại học nói chung , giảng dạy lâm sàng Y khoa nói riêng là công việc đặc thù của giáo dục. Trong đó đối tượng học tập là người đã bắt đầu trưởng thành về thể chất cũng như nhận thức. Tất cả đều đã được qua sàng lọc kỹ càng trong các kỳ thi đại học. 

    Tuy nhiên cũng đã trải qua những năm tháng học phổ thông nơi mà họ phải cầy xới trong các lò luyện thi cốt làm sao vượt qua được kỳ thi trúng tuyển vào đại học. Ở đó hình ảnh người thầy đóng vai trò trung tâm, đến khi vào đại học Y, rõ ràng phải có cách tiếp cận vấn đề tích cực hơn để họ có thể nắm bắt, xét đoán vấn để, dự đoán cách giải quyết hợp lý, tự tin.

    Để làm tốt việc này, thiết nghĩ cần phải vận dụng đa dạng các hình thức học tích cực trong đào tạo lâm sàng cho sinh viên đại học Y. Một số phương pháp có thể vận dụng: Phương pháp K.J (Kawakita Jiro), là tổng hợp suy nghĩ của các nhóm nhỏ, cách xác định mục tiêu học tập (Tổng quát và cụ thể), thuyết trình ngắn tích cực hóa, phương pháp đóng vai. Người dạy học đại học sử dụng tốt kỹ năng giao tiếp và hổ trợ trong dạy học theo tình huống, phương pháp giải quyết vấn để, phương pháp dạy theo tình huống...

    Sự vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học tích cực cộng với kỹ năng giảng dạy lâm sàng sẽ cuốn hút được sự nhiệt thành chăm chú của sinh viên.


II. NỘI DUNG TRÌNH BÀY

    Trước hết sinh viên đại học rõ ràng là người đã bắt đầu trưởng thành, được tuyển chọn, hầu hết có nhận thức tốt và định hướng học tập rõ ràng. Họ cũng đã  trưởng thành  về mặt pháp lý, tâm sinh lý. 

    Nhìn lại quan niệm cũ và thực hành dạy học trước đây, ta nhận thấy hình ảnh người thầy là trung tâm, luôn luôn đúng và duy nhất đúng .Thầy là nguồn tư liệu gần như chủ yếu cho học trò tìm hiểu. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Thầy luôn áp đặt nhiều kiến thức có sẵn vào đầu học trò và trò thì lo nuốt trọn từng câu chữ thầy ban ra, sự độc thoại phát vấn  là chủ yếu, trò chăm chú lắng nghe, học thuộc lòng những gì thầy nói thì điểm càng cao. Sau cùng việc đánh giá nhận xét cho điểm là độc quyền của thầy, việc duy  trì quan điểm dạy và học mà thầy là trung tâm đã tồn tại nhiều năm nay. Nó đã bộc lộ sự yếu kém trong học tập, kém năng động trong tư duy, độc lập suy nghĩ, lười động não, chăm chú, học thuộc lòng và đối phó, kiếm điểm.

    Qua quá trình dài chuyển hóa về phương pháp giáo dục, ai ai cũng nhận thấy sự bất cập của lối giáo dục cũ, vậy ta cần phải thay đổi căn bản quan niệm giảng dạy cũ. Hiện nay ở Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới đều dạy và học theo lối: thầy chỉ định hướng nghiên cứu và tài liệu nghiên cứu cho học viên, để rồi học viên phải đổ công đổ sức, thời gian và tìm tòi. Thầy sẽ hổ trợ cho việc nghiên cứu này khi học viên gặp khó khăn trong quá trình học tập. Ngay cả nhà bác học vĩ đại Anh - Xtanh đã từng nói: “Tôi chẳng dạy ai cái gì bao giờ, tôi chỉ giúp họ tự học mà thôi”. 

    Thầy không phải lúc nào cũng đúng, kiến thức của thầy cũng chỉ là hết sức hữu hạn trong kho tri thức nhân loại. Rõ ràng thầy không thể là người tài liệu lớn cho học viên, thật may chúng ta đã sống trong thời kỳ kỹ thuật số bùng nổ. Đôi chân ta đang đứng trên vai của người khổng lồ! Internet cho ta mọi thứ trong vài giây, từ đó tự học viên tìm ra tri thức cho riêng mình bằng hành động tự học. Đây mới thực sự là tài sản của học viên. Nếu không có cách tự học tích cực thì mọi hiểu biết kiến thức chỉ là của thầy. 

    Bản thân giữa trò và trò, thầy và trò đẩy mạnh đối thoại, trò chủ động nên đưa ra câu hỏi vấn đề mình chưa sáng tỏ, quan điểm phản biện trái với những gì thầy trình bày, để rồi từ đó cùng tranh biện tìm ra cốt lõi của vấn đề. Trò cùng thầy khẳng định kiến thức lĩnh hội được. Dần dà theo thời gian, hình thành các phương pháp học, thực chất là tự học, tư duy giải quyết các vấn đề cụ thể. Sau cùng, học viên có cơ hội tự đánh giá mình, nhìn nhận ra những tồn tại (dĩ nhiên có sự trợ giúp của thầy) sau đó trò tự điều chỉnh mình.

    Rõ ràng, cái đầu của học viên không phải là thùng rỗng mà thầy rót kiến thức vào. Nó luôn được tự thắp sàng bằng tư duy độc lập, và với khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, nó cần được thắp sáng suốt đời, liên tục. Thực tế cho thấy rằng cấp học càng lớn thì sự phụ thuộc vào người dạy ít dần. Sự khác biệt căn bản của sinh viên đại học Y và các cấp học dưới phổ thông ở chổ quan niệm việc học rõ ràng, tự quản, tự quyết định, giảng viên chỉ hướng dẫn những vấn đề nêu trên.

    Sinh viên đại học Y xác định rõ nhu cầu học tập của mình là nắm bắt kiến thức về các môn học để trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho con người. Nhu cầu cần bổ sung cập nhật kiến thức kỹ thuật mới rất cụ thể. Tinh thần sẵn sàng họ tập cao, có khát vọng lý tưởng, mục đích cụ thể chứ không được sắp xếp học gì, làm gì, như thế nào đối với học sinh nhỏ tuổi.

    Thêm vào đó việc học đại học đã cho thấy rằng người học muốn sau này ứng dụng việc học vào cuộc sống công việc, do đó họ dễ tập trung vào giải quyết vấn đề. Sau cùng, việc học ở người trưởng thành có những động lực nội sinh những nhu cầu khám phá tìm hiểu hoặc động lực ngoại sinh như lòng tự trọng chẳng hạn. 

    Trong khi đó người nhỏ tuổi học vì động lực bên ngoài như điểm, khen thưởng...Chúng ta nhất trí rằng người trưởng thành để học đại học không phải là cái thùng rỗng để giảng viên thoải mái rót kiến thức vào đầu theo ý muốn giảng viên.

    Quá trình tiếp theo của họ luôn chọn lọc, tư vấn. Họ có nhu cầu được biết lý do cần phải học  một điều gì đó. Do vậy nhu cầu tự định hướng cao và có động cơ rõ ràng, họ hoàn toàn muốn được tôn trọng và không thích sự áp đặt. Như vậy nói dạy học đại học theo phương pháp tích cực chung chung là không được. Hoặc chúng ta áp dụng vài phương pháp cứng nhắc cũng khó đem lại kết quả cao. Điều cốt lõi là chuyển quá trình đào tạo thành tự đào tạo, biến quá trình học tập thành liên tục suốt đời. Học luôn kết hợp với thực hành, không học suông lý thuyết, người học nên phải sử dụng cùng lúc nhiều giác quan dưới sự hổ trợ từ kỹ thuật, thiết bị học tập hiện đại. Vận dụng tốt những quan điểm trên đây sẽ đem lại kết quả tốt vững chắc bền lâu.

    Nhưng vậy với đặc thù người lớn, học đại học trong ngành đặc thù là ngành Y khoa, chúng ta nên vận dụng linh hoạt các phương pháp được cho là tích cực theo quan niệm dạy học mới. Thuyết trình ngắn 15 phút - 20 phút, gián đoạn kết hợp lối hỏi đáp với tập thể tạo sự tương tác tốt giữa người dạy và người học. Luôn tăng cường minh họa, kết hợp nghe nhìn sinh động, tránh gây nhàm chán, buồn ngũ. Ngôn từ trình bày sinh động, giọng nói trầm bổng theo tình huống, tránh nói đều đều gây mệt mỏi. Có ba quá trình cần phải tránh ở đây là: quá đông học viên, thời lượng quá ngắn và nội dung quá tải. Hướng dẫn sinh viên chỉ ghi chép từ mấu chốt, đánh dấu và khái quát hóa bài học, sử dụng nhóm thảo luận rì rầm tại chỗ, mô tả và giải thích sơ đồ, cho sinh viên làm bài tập tư duy, rồi tự đối chiếu đáp án.

    Đóng vai trong dạy học lâm sàng mô phỏng có bệnh nhân càng rèn luyện thái độ, kỷ năng giao tiếp, tư vấn tạo dần sự tự tin. Không có hợp tác thừa khi tiếp xúc trực tiếp người bệnh, không cần đi vào tỉ mỉ, trình tự, khuyến khích sinh viên có sự tương tác linh hoạt. Thể hiện vai diễn trước mọi người rồi quan sát bình luận rút ra bài học.

    Phương pháp dạy học đại học dựa trên vấn đề trong đó người dạy tạo ra tình huống, gợi ý cho học viên tích cực phát hiện vấn đề, suy nghĩ cách giải quyết. Học viên chọn lọc cái vấn đề theo mức độ quan trọng, hình thành nhóm phân công nghiên cứu, để rồi tập hợp và hệ thống hóa thông tin tranh luận và trình bày thông tin thu thập được, biện hộ sự hợp lý trong giải quyết vấn đề, kết hợp tìm bằng chứng, cuối cùng rút ra các trải nghiệm trên cơ sở thực hành báo cáo vấn để.

    Thực tế lâm sàng đôi khi thiếu những mặt bệnh phù hợp cho sinh viên học tập và học viên yêu cầu trang bị phương pháp tư duy để không lúng túng trong cách giải quyết vấn đề. Đây là cách dạy học bằng phương pháp giải quyết vấn đề bằng bài tập tư duy hoặc tình huống (có thể bình bệnh án, nhận định, chẩn đoán, giải pháp xử trí, tiên lượng...hoặc cách nêu tình huống lâm sàng rồi yêu cầu chọn ý đúng nhất hay thứ tự ưu tiên giải quyết...)

     Để đáp ứng nhu cầu chất lượng đào tạo và hội nhập sâu rộng trong chuyên môn ở tầm khu vực và quốc tế, cần có kỹ thuật dạy học dựa trên năng lực. Học viên cần có được năng lực để tự học suốt đời về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong Y khoa thực hành nên chia thành block 10 -12 tuần nội trú đan xen để sinh viên có cơ hội gắn bó liên tục với bệnh nhân để hình thành năng lực được giao việc làm và có ký xác nhận. Dần dà theo thời gian, sinh viên sẽ hình thành năng lực làm việc tốt, chững chạc và đầy trách nhiệm. Một khía cạnh quan trọng trong đào tạo y khoa là học và hành dựa trên bằng chứng, xu hướng chung của thể giới hiện nay nghiên về y học chứng cứ.

    Trong thời đại bùng nổ thông tin nhiều kiến thức kỹ năng công nghệ mới đã thay thế cái cũ lạc hậu. Thuyết phục mọi người, có lẽ cách tốt nhất là đưa ra và dựa trên chứng cứ cụ thể, khách quan. Cũng từ chứng cứ, mà có nhiều trường phái đưa ra cách nghĩ và thực hành cần chứng minh khoa học. Phía học viên cần luôn suy nghĩ tìm tòi, bằng chứng cập nhật cho kiến thức, kỹ năng của mình. Họ cần rèn luyện khả năng đọc sách, truy cập Internet, cách thu thập thông tin một cách chọn lọc...Hình thành thói quen tự điều chỉnh, đánh giá, tiếp nhận, lưu giữ bằng chứng, tránh tình trạng bảo thủ cả tin, không đủ chứng cứng tự bảo vệ, tự cập nhật xử lý để làm theo cái mới. Nên cố gắng khuyến khích họ tham gia viết  thông báo trên Internet tin ngắn, sách báo, viết tiểu luận và tranh luận khóa học , nội san y học...

    Cuối cùng việc dạy học trên giường bệnh cần phải được coi trọng hơn. Việc này rèn luyện cho sinh viên cách cư xử với bệnh nhân tử tế, tôn trọng họ, rèn luyện y đức, tính chuyên nghiệp sự cảm thông, ân cần... Người giảng dạy, người giảng viên luôn tạo không khí giảng dạy tốt, thân thiện, gần gũi với cả sinh viên và bệnh nhân. Thực hiện cách tiếp cận SNAPP tức là:

  •   Summarise: Tóm tắt tình hình bệnh.
  •   Narow: Thu hẹp chẩn đoán.
  •   Analyse: Phân tích chẩn đoán phân biệt.
  •   Probe: Làm sáng tỏ điều sinh viên chưa hiểu.
  •   Plan: Đưa ra kế hoạch điều trị.
  •   Select: Xác định chủ đề cần học thêm.

III. KẾT LUẬN

    Sự áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học đại học trong lâm sàng cho sinh viên Y khoa sẽ tránh được khó khăn đơn điệu, kích thích được tư duy, suy nghĩ  tích cực từ phía sinh viên. Người dạy học đại học giỏi là phải biết khơi dậy sự đam mê cho học viên mình và thắp sáng niềm đam mê ấy cháy mãi, cháy mãi...Người giảng dạy có kỹ năng giao tiếp tốt (giao tiếp 2 chiều, nhiều chiều, có lời và bằng ánh mắt...). Kỹ năng động viên khuyến khích sinh viên tốt ( khen nhiều hơn chê, khen trước chê sau...). Kỹ năng quan sát học viên tốt, kỹ năng lắng nghe tốt và kỹ năng phản hồi tốt. Tất cả tố chất trên vận dụng vào giảng dạy lâm sàng bằng nhiều phương pháp nhất định sẽ thành công.

“ Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi chỉ biết giải thích, người thầy xuất chúng chỉ biết minh họa, người thầy vĩ đại thì luôn biết cách truyền cảm hứng” 

                                                                               Danh ngôn
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Lê Công Triêm: Lý luận dạy học đại học.

2. JICA projcct: Đào tạo giảng viên lâm sàng 2012.

Bác Sĩ Nguyễn Kỳ Sương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Chưa có thông tin
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 12 : 10