Ấm lòng từ giọt máu cho đi...
Người phụ nữ có gương mặt lành như đất. Đã có những cuộc hồi sinh ngoạn mục từ sự chia sẻ không toan tính. Hồ như, việc cho đi đã thành lẽ sống.
Chỉ riêng bản thân mình, bà Nguyễn Thị Lan đã có đến 34 lần hiến máu cứu người. Tính thêm chồng và con, năm 2023, gia đình bà Nguyễn Thị Lan đã có 55 lần hiến máu.
Trong cuộc tôn vinh người hiến máu tình nguyện ở Quảng Nam mới đây, người ta xúc động vì câu chuyện cứu người, bất kể đêm đen hay mưa bão, từ người phụ nữ bình thường ấy.
Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại
“Năm 2009, khoa cấp cứu tiếp nhận sản phụ tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sinh con mất rất nhiều máu. Lúc này, bệnh viện cần gấp lượng máu lớn để cấp cứu, nếu chờ lấy máu từ ngân hàng sẽ không cứu kịp. Khi nghe thông báo về trường hợp này, tôi lập tức chạy đến cho 1 đơn vị máu O, kịp thời cứu được cả hai mẹ con sản phụ. Từ đó, tôi nhận ra câu nói “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” thật sự ý nghĩa” - bà Nguyễn Thị Lan mở đầu câu chuyện.
Vậy là bất cứ lúc nào bệnh viện cần máu gấp, Nguyễn Thị Lan là cái tên được nghĩ đến đầu tiên. Và bà, hẳn nhiên cũng là người xung phong hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi, những ca bệnh bị tai nạn được đưa đến viện rất cần máu nóng để kịp thời cứu chữa, vì máu cấp đông phải cần thời gian làm nóng.
Ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, người ta đã quen với một cô Lan lanh lẹ nhưng rất hiền lành. Sự lẹ làng này không đến từ việc hoạt ngôn mà xuất phát từ chính đôi chân lúc nào cũng thoăn thoắt, mỗi khi nghe có bệnh nhân cần máu gấp...
Nhiều y bác sĩ tại bệnh viện kể, có khi, chỉ trong 3 ngày, bà Nguyễn Thị Lan hiến tới 2 đơn vị máu, cứu sống 2 người. Con số những trường hợp khẩn cấp được cứu hẳn sẽ nhiều như chính số lần bà tham gia hiến máu trực tiếp tại viện. Dĩ nhiên, nó không còn là những con số đếm thông thường.
Máu là chế phẩm đặc biệt, chưa thể sản xuất nhân tạo. Toàn bộ máu dùng cho người bệnh cần máu vẫn từ người hiến tặng, đặc biệt với những bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh nhân phẫu thuật, chấn thương...
Họ cần truyền máu đều phải chờ đợi máu hiến tặng. Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đều đồng tình rằng, hiến tặng máu, hiến tặng mô tạng là “hình thức thiện nguyện cao nhất, ý nghĩa nhất về sự cho đi”.
Gia tài hạnh phúc
Mỗi lần hiến 1 đơn vị máu, tương đương khoảng 250 - 500ml máu, người hiến sẽ được tặng một cuốn sổ màu đỏ. Với những người nhiều lần tham gia hiến máu, “kho sổ đỏ” của họ ngày một đầy thêm. Mỗi cuốn “sổ đỏ”, chắc chắn là một niềm hạnh phúc.
Và bà Lan thì có cả một “gia tài hạnh phúc” dày đặc như vậy. Bà kể, năm ngoái, khi ra Hà Nội để tham gia Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng họ là biểu tượng đẹp của lòng nhân ái, của trái tim sẻ chia và lan tỏa yêu thương, cũng là năng lượng tích cực của cộng đồng. Trái tim con người không chỉ ủ dòng máu nóng hổi, mà còn nồng ấm tình nhân ái, sự sẻ chia, cảm thông.
Sẻ chia mang những thanh âm riêng, cung bậc riêng. Với những người luôn hăng say cùng câu chuyện cho đi, tôi đoan chắc, khi bạn nhìn vào họ, là cảm giác tin cậy và bình yên.
Khi bắt đầu làm những việc cho người khác, vì người khác, họ đơn giản chỉ xuất phát từ ấm nóng tâm hồn chính mình. Những cuộc cho đi - không cần ai nhìn thấy, và có lẽ, cũng không cả những tụng xưng, họ vẫn làm.
Đó có lẽ là lý do để từng ngày, số lượng máu được tiếp nhận từ hiến tặng càng tăng. Năm 2024 cũng là tròn 30 năm kể từ ngày đầu tiên Việt Nam phát động phong trào hiến máu tình nguyện (năm 1994).
Thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, nếu như năm 1994, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện gần như là 0%, hầu hết là những người bán máu, đến nay tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 97%.
Phong trào hiến máu tình nguyện phát triển từng ngày. Lượng máu tiếp nhận tăng đều hằng năm. Kể từ năm 2014 đến nay, mỗi năm các cơ sở y tế đều tiếp nhận được hơn 1 triệu đơn vị máu. Tại Quảng Nam, năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 18.593 đơn vị máu.
Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống
Người phụ nữ xứ Bắc theo chồng về Quảng Nam, coi vậy mà đã gần 40 năm. Khởi đi từ sự nghiệp của cô giáo mầm non xứ cát, vô tình trong một lần đi dạy trên đường về nhà, người phụ nữ này nhìn thấy lời kêu gọi hiến máu được giăng trước cổng Bệnh viện Đa khoa Núi Thành - lúc này vẫn chưa trở thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương.
Đó là năm 2005, cũng là lần đầu tiên bà Lan đi hiến máu tình nguyện. Kể từ đây, hầu như năm nào bà cũng tham gia hiến từ 2 - 4 đơn vị máu cho bệnh viện cứu người. Năm 2008, cơ duyên đặc biệt đến, từ cô giáo mầm non, bà trở thành nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Gần như cái tên Nguyễn Thị Lan trở nên quen thuộc với những hội, nhóm thiện nguyện - vì không chỉ hiến máu cứu người ở nơi công tác, bà còn thường xuyên hiến máu cho các trường hợp nguy cấp điều trị tại những bệnh viện khác của Tam Kỳ. Hễ nghe thông báo khẩn cấp cần nhóm máu O, người phụ nữ này lại tìm tới.
“Năm 2017, khi ra Bệnh viện Trung ương Huế để kiểm tra sức khỏe, tôi nghe loa bệnh viện thông báo cần gấp nhóm máu O để cứu bệnh nhân đang phẫu thuật.
Tôi bỏ lượt khám chạy đến tham gia hiến 1 đơn vị máu để các bác sĩ cấp cứu trước, sau đó có thêm 3 người đến cho máu và cứu được bệnh nhân này” - thêm một câu chuyện từ người phụ nữ này.
Hình như bản mệnh con người được sinh ra để làm vì cộng đồng, bà Lan cứ luôn tay luôn chân với chuyện phố phường, làng xã. Tham gia làm công tác mặt trận cơ sở, những ngày nghỉ ở bệnh viện, bà lại tất tả với chuyện xóm làng. Người phụ nữ này cũng đồng thời là người vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống huyện Núi Thành.
Chỉ sau gần 2 năm ra đời, CLB đã huy động được hơn 200 người tham gia. Ở đâu cần máu cứu người, ở đó lại thấy bóng dáng thành viên CLB Ngân hàng máu sống Núi Thành.
Các bệnh viện kết nối với CLB, khi nào họ cần máu khẩn cấp thì thông báo đến bà Lan. Tiếp nhận thông tin, bà sẽ truyền đến các thành viên CLB. Ai thuận tiện sẽ liên hệ bệnh viện để hiến máu.
Đã nhiều lần, các thành viên trong nhóm kịp thời hiến máu để cứu người. Họ cho đi bình thản. Họ cũng quên luôn những ai được cứu và hạnh phúc khi chỉ cần biết có thêm một mạng người được cứu sống.
Chồng bà Lan - ông Nguyễn Thanh Hải cũng là thành viên ưu tú của CLB với hơn 20 lần hiến máu. Con số này hẳn không dừng ở đó. Bởi họ đang cùng nhau gom nhặt yêu thương, cùng nhau tặng cho cuộc đời những điều tử tế. Nhìn nụ cười của bà, sẽ dễ dàng hiểu được điều lớn lao luôn có trong những con người bình thường, giản dị ở xung quanh...
Nguồn: Báo Quảng Nam