Cha mẹ cần biết về “Viêm tiểu phế quản ở trẻ em”
Trẻ nhỏ là độ tuổi mắc bệnh viêm tiểu phế quản cao nhất vì tiểu phế quản của trẻ chưa hoàn thiện khiến virus gây ra các triệu chứng kéo dài. Không phát hiện và điều trị hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứ như: viêm tai giữa, suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi vì tắc đờm…
Cùng đến với những chia sẻ chuyên môn bổ ích của BSCKII. Lý Vũ Thị Bảo Thanh, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
- Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là gì?
Viêm tiểu phế quản là nhiễm trùng đường hô hấp do virus với đặc trưng là đường thở nhỏ của phổi bị phù nề làm cho quá trình lưu thông không khí qua phổi bị cản trở làm cho trẻ bị khó thở.
- Nguyên nhân gây tiểu viêm phế quản ở trẻ:
Đại đa số trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus xâm nhập, bênh lây nhiễm qua đường hô hấp:
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): tác nhân chính gây nên viêm tiểu phế quản, chiếm gần 50% tổng số cas bệnh , chủ yếu tấn công trẻ em dưới 2 tuổi, gây viêm kèm theo tích tụ chất nhầy ở đường thở.
- Virus Adeno: tấn công vào màng nhầy ở đường thở, chiếm khoảng 10% ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ.
- Virus cúm: gây ra viêm nhiễm ở cổ họng, mũi, phổi. Cúm có thể bị ở cả người lớn và trẻ em nhưng nguy hiểm hơn với trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản ho nhiều và dễ bị khó thở sau ho.
- Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản:
Những ngày đầu bị viêm tiểu phế quản, trẻ có triệu chứng hơi giống với cảm lạnh: nghẹt mũi, sổ mũi, ho, sốt nhẹ (có thể không sốt), triệu chứng này thường kéo dài 1-2 ngày, sau đó trẻ sẽ có triệu chứng thở khò khè, khó thở, nhiều trẻ còn có thể bị viêm tai giữa...
Nếu thấy con có các triệu chứng sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ nhi khoa ngay:
- Bỏ ăn, bỏ bú,
- Trẻ từ chối uống nước.
- Ngủ li bì, ngủ cả khi bú, ngủ nhiều hơn mức bình thường.
- Dễ cáu gắt.
- Hay quấy khóc.
- Sốt cao trên 39 độ C, có thể sốt kéo dài không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Sau ho bị khó thở, thở khò khè ngày càng tăng
- Nhịp thở nhanh (> 60 lần/ phút).
- Trẻ bị rút lõm ngực khi hít thở.
- Cơ thể có dấu hiệu bị mất nước: khô miệng, khô môi, 6 - 8 giờ liền trẻ không đi tiểu tiện.
- Trẻ sơ sinh có biểu hiện vùng thóp trũng
- Da trở nên xanh xao, nhợt nhạt. Da nhợt nhạt, môi tái
Chú ý các yếu tố nguy cơ: trẻ sinh non, có vấn đề về tim, bị bệnh phổi bẩm sinh, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ suy dinh dưỡng nặng, suy giảm hệ miễn dịch... thì khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm tiểu phế quản, cha mẹ càng cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm tiểu phế quản nên khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử trí an toàn.
- Điều trị viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu giảm nhẹ triệu chứng và can thiệp sơm hạn chế biến chứng
Thời gian điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ thường kéo dài khoảng 2 - 3 tuần nhưng đại đa số trường hợp trẻ mắc bệnh đều có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải theo dõi và luôn cảnh giác trước các biểu hiện thay đổi về hô hấp.
Điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ không dùng đến kháng sinh vì đây là bệnh do virus gây ra, trừ trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn như viêm phổi thì có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để diệt khuẩn. Nếu trẻ có dấu hiệu co thắt phế quản thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giãn phế quản Salbutamol, sử dụng Natrichlorid 3% (muối ưu trương) cho trẻ khò khè lần đầu không đáp ứng thuốc giản phế quản
Các loại thuốc corticosteroid đường hít hay đường uống để làm loãng chất nhầy không hiệu quả đối với viêm tiểu phế quản và cũng không có khuyến cáo sử dụng.
Một số nhỏ tỷ lệ trẻ cần được điều trị tại viện nhằm kiểm soát tình trạng diễn tiến bệnh. Những trường hợp này thường được thở oxy để nồng độ oxy trong máu được duy trì đủ, trẻ cũng sẽ được truyền nước qua tĩnh mạch để tránh rơi vào tình trạng mất nước. Nếu bệnh nghiêm trọng, trẻ có thể sẽ được đặt nội khí quản, thở máy…
Điều trị chủ yếu
- Cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol khi trẻ sốt cao
- Không dùng các thuốc giảm ho Dextromethopan, kháng Histamin, co mạch, long đàm
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, không bỏ bữa
- Vệ sinh mũi miệng bằng nước muối sinh lý, làm thông thoáng mũi cho trẻ
- Cho trẻ dung thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa
- Theo dõi các triệu chứng bất thường của trẻ đê can thiệp kịp thời
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng: khói thuốc lá, phấn hoa, bụi…
- Phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ:
Một nghiên cứu cho thấy, trong vòng 1 năm sau khi bệnh đã được điều trị hoàn toàn, viêm tiểu phế quản có khả năng tái phát đến 75%. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với trẻ chưa từng mắc bệnh mà còn đối với các trẻ đã từng mắc bệnh này.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do đó cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh là thường xuyên rửa tay, khử khuẩn và đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ bị bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh viêm tiểu phế quản hiệu quả như:
- Trước và sau khi chạm vào trẻ, mọi người nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc vệ sinh bằng cồn;
- Cách ly trẻ với những đứa trẻ khác khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản và ngược lại nhằm ngăn chặn sự lây lan virus;
- Tiêm Palivizumab, nhất là các trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao để phòng ngừa sự tấn công của RVS;
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày;
- Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy, trong sữa mẹ có các kháng thể giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và có thể giúp trẻ ngăn ngừa bệnh viêm tiểu phế quản;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nhất là khói thuốc lá;
- Vệ sinh không gian sống, đồ chơi và các đồ vật trẻ thường tiếp xúc sạch sẽ;
- Tránh cho trẻ dùng chung đồ cá nhân như cốc, chén, muống… với người khác, đặc biệt là những người đang có dấu hiệu sổ mũi, ho, sốt…
- Mặc dù vẫn chưa có vacxin phòng ngừa virus RSV và Rhinovirus (hai nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em) nhưng bố mẹ nên cho trẻ tiêm phòng cúm định kỳ cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Điều này sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, hỗ trợ miễn dịch cho trẻ.
- Tập thói quen dùng giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác cho trẻ;
- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị lạnh;
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất…
Với những chia sẻ từ bác sĩ chuyên môn về Khoa Nhi sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Nếu cần tới sự hỗ trợ y tế trong việc chẩn đoán, xử trí với viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể liên hệ hotline 1900561511 để được hướng dẫn đăt lịch khám để được lắng nghe, được tư vấn và có những chỉ dẫn phù hợp để chủ động chăm sóc sức khỏe cho con một cách an toàn và hiệu quả nhất...