Vi khuẩn đa kháng thuốc (MDRO) và cách phòng ngừa lây lan
Kháng sinh là một phát minh vĩ đại của nền Y học Thể giới trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên thực tế cho thấy một số vi khuẩn gây bệnh cho con người đã chống lại các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt chúng.
Vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh được hiểu là vi khuẩn đa kháng thuốc (MDRO). Một số vi khuẩn đa kháng thuốc thường gặp như Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), Enterococcus đề kháng với vancomycin(VRE),… những vi khuẩn này đang là mối đe doạ cho sự sống còn của con người và thách thức của hệ thống Y tế Việt Nam và trên thế giới vì nhiều bệnh có thể không còn thuốc chữa trong tương lai.
Vi khuẩn đa kháng thuốc thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hoặc gián tiếp từ bề mặt xung quanh người bệnh mang vi khuẩn MDRO, như bàn tay, ống nghe, xe đẩy, tay nắm cửa,…
Những bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc có tỷ lệ tử vong cao lên đến 50%.
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, những bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc có tỷ lệ tử vong cao lên đến 50%. PGS cho biết thêm Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm khuẩn đa kháng cao, có tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tức xấp xỉ 10 triệu người một năm. Khi đó, một vết cắt bị nhiễm khuẩn hay các bệnh thông thường như ho cũng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra kháng kháng sinh.
Vi khuẩn đa kháng thuốc xuất hiện và gia tăng chủ yếu do việc lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng: Việc dùng kháng sinh không cần thiết khi người dân tự ý mua thuốc; dùng kháng sinh chưa đủ thời gian theo chỉ định của bác sỹ hoặc việc sử dụng nguồn thực phẩm còn tồn dư lượng kháng sinh trong đó dẫn đến vi khuẩn liên tục biến đổi khi kháng sinh mới chưa kịp ra đời.
Để tránh mắc vi khuẩn đa kháng thuốc ngoài cộng đồng, chúng ta cần cẩn thận khi sử dụng thuốc kháng sinh. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của Bác sỹ. Đồng thời, sử dụng kháng sinh đúng theo đơn thuốc ngay cả khi các triệu chứng của chúng ta hết trước số lượng thuốc. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh.
Tại các cơ sở Y tế, sự hiện diện và ngày một gia tăng các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc đang là gánh nặng cho người bệnh như tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lêh tử vong,… khi các kháng sinh thông thường không còn đáp ứng tình trạng bệnh. Do đó, việc kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn đa kháng thuốc tại các cơ sở y tế là vấn đề cần sự chung tay của tất cả nhân viên trong bệnh viện từ Hộ lý, Nhân viên vệ sinh và đội ngũ Y Bác sỹ.
Tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp, áp dụng quy trình nghiêm ngặt nhắm ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn đa kháng thuốc như sau:
- Nhanh chóng nhận biết bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc từ hệ thống xét nghiệm vi sinh của bệnh viện và gửi cảnh báo ngay cho các khoa phòng liên quan thực hiện chăm sóc theo quy trình;
- Tại khoa lâm sàng, bệnh nhân đa kháng thuốc được bố trí nằm cách ly theo quy định, có dấu hiệu cảnh báo và áp dụng quy trình chăm sóc riêng;
- Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân/khu vực xung quanh bệnh nhân;
- Nhân viên y tế hướng dẫn cho người nhà người bệnh mắc vi khuẩn đa kháng thường xuyên vệ sinh tay trước và sau chăm sóc bệnh nhân để tránh lây lan;
- Tất cả dụng cụ vô khuẩn phải được dùng riêng cho bệnh nhân. Ống nghe, một số dụng cụ dùng lại cho bệnh nhân phải được khử khuẩn;
- Vệ sinh hằng ngày giường, bề mặt phòng bệnh bằng chất sát khuẩn;
- Tất cả rác thải y tế của người bệnh được hướng dẫn cho vào túi rác màu vàng (rác lây nhiễm);
- Tại các khoa lâm sàng, việc sử dụng Kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ đã được đội ngũ Bác sỹ quan tâm và thực hiện.
Việc sử dụng đồng bộ các biện pháp về Kiểm soát nhiễm khuẩn trên sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng lây lan của vi khuẩn đa kháng thuốc tại các cơ sở y tế. Quan trọng hơn, việc sử dụng kháng sinh cho người bệnh cần được kiểm soát chặt chẽ thông qua các hoạt động như giám sát việc kê toa sử dụng kháng sinh; huấn luyện, đào tạo truyền thông về kháng sinh, các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn đa kháng thuốc và cập nhật thường xuyên các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc tại cơ sở y tế.