A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mẹo dinh dưỡng phục hồi sau cảm lạnh và cúm

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi.

Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi
  • Người lớn trên 65 tuổi
  • Người bệnh ở viện dưỡng lão
  • Phụ nữ có thai và phụ nữ hai tuần sau sinh
  • Những người có hệ miễn dịch yếu
  • Những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường

Khi bị cúm, người bệnh cần chế độ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng và nâng cao thể trạng, giảm triệu chứng cúm. Hãy cùng với chuyên gia dinh dưỡng ThS. Đặng Thị Hoàng Khuê – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tìm hiểu các mẹo để có dinh dưỡng tốt hơn khi bị cảm lạnh và cúm:

​​​​​​​1. Khi chán ăn và đau họng:

2_a07fd.jpg

Do mệt mỏi nhiều khi bị cảm cúm nên người bệnh thường không muốn ăn. Kèm theo đau họng nên cũng khó nhai nuốt. Vì vậy, chú ý chế biến các món ăn lỏng, dễ tiêu, hợp khẩu vị của người bệnh.

Một số món ăn người bệnh cảm cúm nên dùng là: cháo gà, súp gà, cháo thịt băm, cháo trứng, cháo hành, tía tô… Những món ăn này dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, lại có tác dụng giải cảm, rất tốt khi bị cảm cúm.

2. ​​​​​​​Bổ sung thêm vitamin D:

1_a823c.jpg

Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thiếu vitamin này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cảm cúm, cảm lạnh và bệnh về đường hô hấp trên. 

Có một số loại thực phẩm bạn có thể ăn để tăng lượng Vitamin D. Hãy tìm lòng đỏ trứng, cá béo như cá hồi, cá ngừ đóng hộp, gan bò, cá mòi, nấm….Tất cả đều là nguồn cung cấp Vitamin D tốt.

​​​​​​​​​​​​​​3. Uống nước

Người bệnh cảm cúm nên uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm ho và để phòng ngừa mất nước nếu có sốt cao. Khi bị cúm, việc uống đủ nước là rất quan trọng giúp cơ thể nhanh hồi phục. Đối với người lớn, nên uống tối thiểu 1,8 lít chất lỏng mỗi ngày. Nên uống nước lọc, nước canh, nước quả tươi, nước chanh ấm pha mật ong, trà thảo mộc,...

4. Ăn nhiều rau củ nhiều vitamin C

Vitamin C là chất dinh dưỡng quan trọng giúp kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, đặc biệt rất hữu ích đối với người đang bị cúm vì dưỡng chất này giúp tăng khả năng sản sinh của bạch hầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được bổ sung qua các thực phẩm để cải thiện sức khỏe. Các loại trái cây họ cam chanh như cam, quýt, chanh, bưởi,… là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin C.

5. Bổ sung kẽm trong khẩu phần ăn

Kẽm là khoáng chất thiết yếu giúp tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả và chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như virus cúm. Thiếu kẽm làm suy giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm cúm. Thực phẩm giàu kẽm: thịt bò, hàu, tôm, đậu và hạt Bí, trứng, cá hồi…. Đảm bảo đủ lượng kẽm giúp tăng cường sức đề kháng, giảm thời gian mắc bệnh.

Dù không có thực phẩm nào đặc trị cảm lạnh hay cúm, nhưng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp nghỉ ngơi sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng và cải thiện sức khỏe. Những bữa ăn giàu dinh dưỡng, đủ nước, nhiều rau xanh, trái cây sẽ tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể mau hồi phục và phòng tránh bệnh tật. Hy vọng qua chuyên đề "Mẹo dinh dưỡng phục hồi sau cảm lạnh và cúm", bạn đã có thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 03 : 18