Viết tiếp những khoảnh khắc đẹp ngành y
Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng: Tại sao mình lại chọn nghề Y? Ắt hẳn mỗi bạn sẽ có cho mình một câu trả lời khác nhau. Nhưng đối với tôi, có lẽ đó là do một “cái duyên” rất lớn với nghề. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã rất ấn tượng với hình ảnh được khoác trên mình tấm áo blouse trắng đi cứu chữa cho mọi người, luôn cháy hết mình cho sự sống của con người, giúp tôi nhìn nhận được tấm lòng của con người đối với nhau. Từ đó thôi thúc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão và khát vọng của tôi mãi khôn nguôi.
Ánh Tuyết chăm sóc người bệnh.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế II Đà Nẵng chuyên ngành Điều dưỡng đa khoa, từ năm 2011 tôi bắt đầu công tác tại Khoa Bệnh nhiệt đới (trước đây là khoa Y học nhiệt đới), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Trước khi bước chân vào nghề, tôi đã ý thức rất rõ: Một cái áo không lành có thể bỏ, đi sai đường chúng ta có thể đi lại, nhưng với sức khỏe và tính mạng của con người thì không. Nhận thức được điều đó, tôi đã luôn nỗ lực, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó, tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, y đức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với tôi, không gì quan trọng hơn là sức khỏe Người bệnh. Tôi và nhiều đồng nghiệp luôn cần mẫn, lặng lẽ làm việc bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và trái tim của người thầy thuốc. Công việc Điều dưỡng đòi hỏi sự tâm huyết và cống hiến rất cao. Họ là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với Người bệnh, không chỉ thực hiện thành thạo các quy trình chuyên môn mà người Điều dưỡng cần có sự quan tâm, tỉ mỉ, phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, sẻ chia từng cơn đau, sự mệt mỏi để an ủi, động viên, khích lệ Người bệnh tích cực điều trị.
Người làm nghề Y luôn cần trái tim biết cảm thông và chia sẻ, nhiều hơn nữa là “cảm” được nỗi đau thể xác và sự bất ổn về tinh thần của Người bệnh. Biết, hiểu được điều đó không khó, nhưng để thực hiện trong quá trình hành nghề lại là chuyện không đơn giản. Và tôi hiểu rằng: Những người làm việc với bàn tay, tâm trí, trái tim và cả sự hi sinh thì đó chính là người làm trong lĩnh vực Y tế. Công việc cứu người tuy không bằng phẳng, nhưng đầy tự hào bởi mỗi vết thương lành sẽ mang lại một niềm vui. Và cái được trong ngành Y thì không thể diễn đạt hết bằng lời. Nghề Y là thế đó, niềm hạnh phúc đơn giản chỉ là khi thấy nụ cười của Người bệnh nở trên môi, và xong việc những chiến sĩ thầm lặng ấy lại về đoàn tụ với gia đình.
Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lên đường chống dịch Covid-19 năm 2021.
Luôn cháy hết mình với nghề, nhưng mấy ai thấu hiểu được những vất vả của một Điều dưỡng khi thời gian dành cho Bệnh viện, Bệnh nhân nhiều hơn gia đình của mình. Tôi vẫn nhớ như in một kỉ niệm, vào ngày sinh nhật con trai mình, tôi đã hứa sẽ tổ chức cho con một bữa tiệc thật vui vẻ, có các bạn cùng tham gia. Nhưng rồi, tôi tiếp nhận một ca bệnh nghi ngờ COVID-19 vào ngày hôm đó đã làm tôi không thể về sớm với con như lời hứa vì phải chờ đợi đến lúc có kết quả âm tính của Người bệnh. Tôi trở về nhà khi trời đã khuya, có lẽ vì đợi mẹ quá lâu mà con tôi đã ngủ thiếp trên ghế lúc nào không hay, vừa nhìn thấy mẹ, con liền bật dậy và ôm chầm lấy tôi: “Mẹ có mệt không? Mẹ cắt bánh kem cùng con nhé”. Tiếng nói ngây ngô và non nớt của một đứa trẻ 5 tuổi như đang bóp nghẹn trái tim của một người mẹ như tôi. Dòng nước mắt chực trào, ôm con mà thủ thỉ: “Mẹ xin lỗi con!”. Dẫu khó khăn là thế, dẫu thời gian dành cho gia đình luôn hạn hẹp, thế nhưng khi khoác lên mình chiếc áo trắng của người điều dưỡng, dường như tôi lại quên đi tất cả, làm theo trái tim của chính mình, bởi đó là trách nhiệm cao cả, là sứ mệnh và cả sự tin tưởng của mọi người.
13 năm gắn bó cùng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam - nơi được xem như là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Đó là khoảng thời gian không phải dài nhưng cũng đủ để tôi nhận ra sự may mắn khi bản thân được làm việc trong môi trường thân thiện, trách nhiệm, chuyên nghiệp cùng các đồng nghiệp đáng quý, tôi cũng đã có nhiều kỷ niệm với nghề. Trong đó phải kể đến thời kì cả nước phải oằn mình chống chọi với đại dịch COVID-19.
Ánh Tuyết trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người nhiễm Covid-19.
Năm 2021 khi dịch COVID-19 bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng “chia lửa” với TP.HCM, ngày 12/7/2021, BVĐKTW Quảng Nam gồm 39 thành viên là Bác sĩ, Kỹ thuật viên, Điều dưỡng viên đã lên đường tham gia chống dịch tại thành phố mang tên Bác. Tôi đã rất lo lắng gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc và không ngần ngại xung phong vào danh sách hỗ trợ chống dịch. Khi vào TP.HCM, Đoàn được tăng cường tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, đóng tại thành phố Thủ Đức, chuyên điều trị các ca nhiễm SARS-CoV2. Dù đã tham gia chống dịch COVID-19 nhiều đợt tại đơn vị nhưng vì đây là lần đầu tôi làm việc tại Bệnh viện dã chiến nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi các Người bệnh diễn biến nặng ở các tầng cao, có lúc tôi cùng các đồng nghiệp phải cõng Người bệnh từ trên tầng xuống dưới để thực hiện cấp cứu một cách thuận lợi nhất. Đồng nghiệp của tôi có người phải lịm đi khi làm việc kéo dài trong bộ đồ bảo hộ nóng nực. Có lẽ những ngày tháng ấy không bao giờ quên đối với Đoàn y bác sĩ BVĐKTW Quảng Nam nói chung và tôi nói riêng. Chúng tôi đã nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung cho “cuộc chiến”, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19. Và niềm hạnh phúc nhất là khi nhìn thấy nụ cười của Người bệnh, đọc được những lá thư cảm ơn là chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Sự đóng góp ấy cũng được ghi nhận khi tôi và Đoàn được nhận những Bằng khen của Bộ Y tế, UBND TPHCM, đó là niềm khích lệ, động viên vô cùng lớn lao đối với tôi và đồng nghiệp.
Tôi rất tâm đắc với một câu nói: “Không phải bạn chọn nghề, mà nghề mới chính là người chọn bạn”. Và tôi luôn tự hào vì mình là một Điều dưỡng, tôi luôn tự hứa với bản thân mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Xin gửi đến các đồng nghiệp của tôi những xúc động từ trái tim, dù bạn đang công tác ở vị trí nào đi chăng nữa thì nghề của bạn thật đáng trân quý, hãy nổ lực và lan tỏa tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề hơn nữa các bạn nhé!
(Tác giả: Hoàng Thị Ánh Tuyết – Điều dưỡng khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK TWQN
Bài viết lọt top 20 “ Điều dưỡng viên tiêu biểu giai đoạn 2020- 2023 có câu chuyện truyền cảm hứng truyền cảm hứng hay nhất” do công đoàn y tế Việt Nam bình chọn).