• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí quyết chăm sóc “cô bé” sau sinh

Bí quyết chăm sóc “cô bé” sau sinh

Vùng kín luôn là bộ phận sinh dục mà bất cứ đối tượng phụ nữ nào cũng phải chăm sóc, bảo vệ và nâng niu. Bất cứ thời điểm nào chị em cũng cần giữ gìn “cô bé” của mình sạch sẽ để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn,… tăng sinh và tấn công sâu, dẫn đến những bệnh viêm phụ khoa nguy hiểm. Đặc biệt, trong quá trình mang thai và sau sinh, các mẹ cần phải chú ý hơn đến vấn đề này để ổn định sớm sức khỏe phụ khoa.

Trong bài viết hôm nay mời quý vị cùng lắng nghe chia sẻ chuyên môn của BSCKI.Trần Thị Bé Pha Ly về vấn đề này

PV: Thưa bác sĩ. Bác sĩ có thể chia sẻ lý do tại sao phải chú ý chăm sóc vùng kín sau sinh, đặc biệt là sinh thường không ạ?

Bác sĩ: Khi người mẹ “vượt cạn” theo phương pháp đẻ thường, em bé sẽ được đẩy ra ngoài theo đường âm đạo. Vì vậy, áp lực sẽ dồn xuống, chèn ép và có thể khiến cho âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn của người mẹ bị tổn thương.

Các mẹ sinh thường lần đầu thường phải thực hiện rạch tầng sinh môn để giúp quá trình vượt cạn diễn ra dễ dàng hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khâu vết rạch lại. Vết khâu tầng sinh môn có thể phục hồi sau vài tuần hoặc vài tháng.

Bên cạnh đó, trong thời gian phục hồi sau sinh, sản dịch cũng sẽ xuất hiện. Sản dịch là hỗn hợp dịch tiết gồm máu, các mô bong tróc khỏi niêm mạc tử cung và dịch nhầy âm đạo. Thời gian cơ thể đẩy hết sản dịch ra ngoài khoảng từ 3 đến 4 tuần.

Với vết khâu tầng sinh môn và quá trình đẩy sản dịch ra khỏi cơ thể, âm đạo của sản phụ rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục sau đẻ thường là rất quan trọng. Nếu không vệ sinh cẩn thận, đảm bảo vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ, tình trạng viêm nhiễm rất dễ xảy ra. Đặc biệt, nếu chị em không giữ gìn vệ sinh vùng kín cẩn thận, sản dịch có thể gây viêm, trở nên nặng mùi, có màu sẫm, gây đau, ngứa kèm theo sốt, đau bụng.

Ngoài ra, việc vệ sinh vùng kín đúng cách cũng giúp các mẹ bầu có thể nhanh chóng ổn định vết thương, tái tạo mức độ đàn hồi của âm đạo, tầng sinh môn. Từ đó, sức khỏe phục hồi tốt hơn, tâm trạng của mẹ được ổn định, không căng thẳng, lo lắng, quan hệ vợ chồng cũng sớm được cải thiện sau sinh.

PV: Có thể thấy việc chăm sóc vùng kín sau sinh đối với chị em là vô cùng quan trọng mong bác sĩ Pha Ly chia sẻ kinh nghiệm vệ sinh vùng kín đúng cách sau sinh thường cho các sản phụ ạ.

Bác sĩ: Việc vệ sinh vùng kín đúng cách sau đẻ thường tưởng phức tạp nhưng thực chất lại rất đơn giản. Sản phụ sau sinh có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:

- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm: kích thích tăng lượng máu đến nuôi dưỡng vùng kín. Tuy nhiên, sản phụ cần lưu ý nên sử dụng nước ở nhiệt độ nước ấm vừa phải và không nên ngâm hoặc xông vùng kín quá lâu.

- Sử dụng bình xịt thay giấy vệ sinh: Giấy vệ sinh không đảm bảo an toàn cho vùng âm đạo của phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, một số loại giấy vệ sinh còn có thể bị mủn, dính, dễ gây viêm nhiễm vùng kín khi sử dụng. Vì vậy, các mẹ nên sử dụng bình xịt hoặc dùng vòi nước vệ sinh dưới áp lực nước nhẹ sau khi đại, tiểu tiện.

- Giữ vùng kín luôn khô ráo: Điều này sẽ hạn chế được nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa do môi trường âm đạo ẩm ướt.

- Sau sinh, âm đạo, tầng sinh môn chưa phục hồi, chị em chỉ nên vệ sinh vùng kín một cách đơn giản với nước ấm sạch và không nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh. Những loại dung dịch vệ sinh có pH không phù hợp, dễ gây khô, rát và thậm chí kích ứng, làm cho tình trạng của vùng kín trở nên tệ hơn.

- Sản phụ vẫn áp dụng cách vệ sinh từ trước ra sau. Thứ tự này giúp cho vùng kín được làm sạch, vi khuẩn không thể lan rộng, tấn công sâu.

- Vệ sinh vùng kín tối thiểu 3 lần/ngày: gồm buổi sáng, buổi tối và sau khi tiểu tiện, đại tiện. Vừa đảm bảo làm sạch vùng kín, vừa đảm bảo ổn định được độ ẩm cần thiết của âm đạo cũng như độ pH tự nhiên.

- Trong thời gian này, Sản phụ đặc biệt lưu ý,thay băng vệ sinh thường xuyên, tránh để âm hộ, âm đạo bị viêm nhiễm do sản dịch.

- Kiêng quan hệ tình dục sau sinh: Sau khi sinh, vùng kín (tầng sinh môn) thường bị tổn thương, sưng nề và đau, nếu quan hệ quá sớm khi tổn thương chưa hồi phục, chị em có nguy cơ bị nhiễm trùng vùng kín, Với những trường hợp sau sinh thường thì nên kiêng quan hệ trong khoảng 6 đến 8 tuần sau sinh. 

- Thường xuyên theo dõi dịch âm đạo. Nếu dịch có đặc điểm bất thường như mùi hôi hay lượng dịch nhiều,…cần đi khám sớm. 

 

PV: Vâng thưa bác sĩ, ngoài các lưu ý ở trên mong bác sĩ chia sẻ thêm một số kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ sau sinh đối với chị em ạ.

Bác sĩ: Bên cạnh việc vệ sinh âm hộ, âm đạo sau khi đẻ thường đúng cách, sản phụ sinh thường cũng cần lưu ý đến một số điều, giúp tầng sinh môn chóng phục hồi hơn.

- Không nên kiêng tắm gội quá mức, nhất là những sản phụ sinh con vào mùa nắng nóng. Nếu cơ thể tiết ra mồ hôi mà không được vệ sinh sạch sẽ, sẽ rất dễ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. 

- Thông thường, sau sinh khoảng 4 ngày là có thể tắm gội được, tắm bằng nước ấm và chỉ tắm nhanh khoảng 5 đến 10 phút. Tắm trong phòng kín và sau khi tắm cần lau khô người. Không nên tắm gội cùng lúc. Nên gội đầu vào khoảng thời gian ấm nhất trong ngày, cần gội nhanh và sấy khô tóc sau khi gội. 

- Đi bộ, vận động nhẹ nhàng để kích thích máu lưu thông, giúp phục hồi tổn thương nhanh hơn.

- Lựa chọn những trang phục thoải mái, đồ lót có chất liệu thấm hút tốt hoặc sử dụng đồ lót dùng một lần. 

- Có thể tham khảo bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau

- Bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày những thực phẩm giàu vitamin B12, A, E, C, sắt, acid folic, chất xơ, kẽm và selen,… để các mô mới sớm được tái tạo, tầng sinh môn mau chóng phục hồi, không bị nhiễm trùng, mưng mủ.

Trên đây là những chia sẻ bổ ích của Bác sĩ Pha Ly-Chuyên khoa Phụ sản. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp sản phụ biết cách vệ sinh vùng kín sau khi đẻ thường, hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc âm đạo, âm hộ, tầng sinh môn sau sinh. Từ đó, các chị em có thể hạn chế, phòng ngừa được những biến chứng hậu sản liên quan tới sức  khỏe phụ khoa.

 

Tin bài: BSCKI.Trần Thị Bé Pha Ly-Chuyên khoa Phụ sản

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 09 : 12