Những điều cần biết về Nhân tuyến giáp
Nhân tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi mô tuyến giáp phát triển bất thường. Nhân tuyến giáp rất phổ biến, đa phần lành tính và có thể điều trị hiệu quả. Mời quý vị đến với bài viết chia sẻ chuyên môn của Bác sĩ chuyên khoa về Nội tiết, Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, các loại nhân tuyến giáp thường gặp, chẩn đoán và các phương pháp điều trị nhân tuyến giáp.
1. Nhân tuyến giáp là gì?
Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chia sẻ: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở mặt trước của vùng cổ, có hình con bướm, gồm hai thuỳ nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Tuyến giáp giữ chức năng quan trọng, có nhiệm vụ sản xuất hormon giáp để duy trì nhiều hoạt động của não bộ, tim và các bộ phận khác của cơ thể.
Nhân tuyến giáp là sự phát triển bất thường của mô tuyến giáp, tạo thành một hay nhiều nhân trong tuyến giáp. Nhân giáp là bệnh lý thường gặp, đa số là lành tính. Tuy nhiên, khi các khối tế bào này phát triển đến kích thước đủ lớn, có thể gây chèn ép đến các khu vực quanh vùng cổ như khí quản, thực quản dẫn đến khó thở, khó nuốt, cảm giác vướng mắc ở cổ hoặc tạo ra một khối lồi ở cổ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Một số nhân tuyến giáp thường gặp như nhân keo, u nang tuyến giáp, các nốt viêm, bướu giáp đa nhân, cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp.
Nhân tuyến giáp là bệnh lý tuyến giáp có độ lành tính cao.
2. Yếu tố nguy cơ của nhân tuyến giáp
Mặc dù nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể song những yếu tố sau đây được xem là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ bị nhân tuyến giáp như:
- Nữ giới: thường gặp hơn so với nam giới
- Di truyền: có những người trong gia đình mắc bướu cổ
- Chiếu xạ trực tiếp lên tuyến giáp, nhất là ở trẻ em dưới 14 tuổi.
- Đột biến gen
- Chế độ ăn thiếu iod.
3. Triệu chứng của nhân tuyến giáp
- Đa số nhân tuyến giáp thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ bởi người thân trong gia đình hoặc thầy thuốc khi đi khám bệnh khác hay khám kiểm tra sức khỏe.
- Đôi khi chúng ta thấy các dấu hiệu gây chèn ép vùng cổ do nhân giáp to như khó thở, nuốt vướng, thậm chí có thể bị khàn tiếng.
- Đa phần chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nhưng một số ít bệnh nhân có biểu hiện cường giáp.
Nhân tuyến giáp to gây khó thở, nuốt vướng, thậm chí có thể bị khàn tiếng.
4. Nhân tuyến giáp có nguy hiểm không?
Phần lớn trường hợp là nhân lành tính. Để xác định chính xác đó là nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính, người bệnh cần được tiến hành một số biện pháp chẩn đoán, đánh giá nhân tuyến giáp.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ tuyến giáp có nhân, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm vùng cổ để xác định chính xác vị trí, kích thước và số lượng nhân tuyến giáp, xác định chúng ở dạng đặc hay dạng nang chứa dịch. Siêu âm cũng giúp xác định các nhân giáp có khả năng ung thư cao hay không.
Sau đó, để xác định chính xác đó là nhân lành tính hay ác tính, cần chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA) dưới sự hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ tiến hành chọc kim nhỏ vào các nhân để lấy mẫu tế bào đem soi dưới kính hiển vi, tìm tế bào ác tính.
5. Điều trị nhân tuyến giáp như thế nào?
Điều trị nhân tuyến giáp dựa vào kích thước, bản chất nhân giáp, có sự bất thường nào của hormone tuyến giáp không, để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị nội ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân.
a. Nhân giáp là ung thư:
Điều trị phẫu thuật là phổ biến nhất. Cắt tuyến giáp loại bỏ nhân ung thư kèm nạo vét hạch cổ. Tùy thuộc vào kích thước nhân, kết quả FNA nhân giáp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt bán phần hay cắt toàn phần tuyến giáp. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám để theo dõi, đánh giá kết quả điều trị xem có cần xạ trị tuyến giáp sau mổ hay không.
b. Nhân giáp kèm sự thay đổi hormone tuyến giáp (cường giáp hay suy giáp):
Điều trị nội khoa là chủ yếu. Nếu nhân giáp lớn, điều trị nội khoa nhiều lần thất bại thì sẽ chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp.
c. Nhân giáp lành tính không có sự thay đổi bất thường hormone:
Theo dõi định kỳ: Với những nhân giáp nhỏ, yếu tố nguy cơ thấp, bác sĩ có thể hẹn bệnh nhân tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Đốt nhân giáp bằng sóng cao tần (RFA tuyến giáp): Là phương pháp điều trị mới hiện nay, bác sĩ sẽ đốt nhân giáp dưới hướng dẫn siêu âm. Khi đốt nhân giáp bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ không để lại sẹo, có ý nghĩa nhiều về mặt thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Phẫu thuật: Những nhân giáp to, có triệu chứng chèn ép, phình to vùng cổ gây mất thẩm mỹ thì phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp điều trị tốt nhất. Đôi khi có những nhân giáp có yếu tố nguy cơ cao, kết quả FNA không chắc chắn thì phẫu thuật là lựa chọn vừa điều trị vừa chẩn đoán chính xác nhất.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ chuyên môn từ bác sĩ chuyên khoa Nội tiết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân tuyến giáp. Phần lớn tình trạng này là lành tính. Tuy nhiên, bệnh rất khó nhận biết và thường được chẩn đoán bằng thăm khám, siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm, chọc hút tế bào... Nếu thấy có biểu hiện bất thường, nghi ngờ có khối to vùng cổ, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Để được đặt lịch khám sớm với các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Liên hệ chúng tôi ngay:
Tư vấn, đặt hẹn: 1900561511 hoặc 0977 132 208 - ĐD Nguyễn Thị Kiều – Phụ trách Điều dưỡng khoa Khám bệnh
—------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG QUẢNG NAM
Đ/c: Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
Hotline: 1900561511
Zalo OA: https://zalo.me/1675055557054703361
Website: http://www.bvtwqn.vn
Youtube: https://www.youtube.com/@BVDKTrunguongQuangNam
Fanpage: https://m.facebook.com/bvdktuqn