• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ mang thai: Khi nào thì cần xét nghiệm tuyến giáp ?

Phụ nữ mang thai: Khi nào thì cần xét nghiệm tuyến giáp ?

Thông tin chuyên môn được chia sẻ bởi BSCKI.Phạm Minh Vương – Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp phải tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp cao hơn so với người bình thường. Bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Đã có nhiều nghiên cứu về suy tuyến giáp và thai nghén, tỷ lệ suy giáp trên bà mẹ mang thai chiếm từ 2 – 2.5% và là nguy cơ cao gây sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, rau bong non. Do vậy, xét nghiệm tuyến giáp khi mang thai luôn được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ.

1. Các bệnh lý tuyến giáp có thể gặp trong thai kỳ

Bệnh lý tuyến giáp rất đa dạng, đặc biệt phụ nữ ở thời kỳ mang thai đã làm thay đổi hoạt động sinh lý của tuyến giáp và có thể làm thay đổi quá trình diễn tiến bệnh tuyến giáp. Những bệnh lý tuyến giáp liên quan đến thai kỳ bao gồm:

  • Suy giáp: Là tình trạng do tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone giáp. Suy năng tuyến giáp có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, tuyến yên hay vùng hạ đồi.
  • Cường giáp: Là tình trạng sản sinh ra quá nhiều hormone giáp, hội chứng này ít gặp hơn suy năng tuyến giáp.
  • Bướu giáp: Đây không phải là một bệnh lý cụ thể. Bướu giáp có thể liên quan đến hội chứng suy năng tuyến giáp, cường năng tuyến giáp hoặc thậm chí chức năng tuyến giáp bất thường.
  • Nhân giáp: Là những u hoặc khối bất thường nằm bên trong tuyến giáp. Nhân giáp có thể do nang giáp, bướu giáp lành tính hoặc ung thư tuyến giáp.
  • Ung thư tuyến giáp: Thường gặp ở những phụ nữ trưởng thành hơn là nam giới hoặc người trẻ. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào đặc hiệu bên trong tuyến giáp.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh lý tuyến giáp trong thời kỳ mang thai

- Thay đổi về hormon    

- Thay đổi về hệ miễn dịch

- Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai

- Thay đổi về nhu cầu iode trong thai kỳ

3. Ai cần được xét nghiệm tuyến giáp khi mang thai?

Các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp cần phải khám sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong thời kì mang thai bao gồm:

  • Phụ nữ có tiền sử bệnh tuyến giáp hoặc các yếu tố nguy cơ cao

Thai phụ đã được chẩn đoán mắc các vấn đề về tuyến giáp trước đó hoặc có nguy cơ cao, điều cần thiết là phải theo dõi chặt chẽ chức năng tuyến giáp trong thai kỳ. Tiền sử bệnh tuyến giáp làm tăng khả năng xảy ra biến chứng. Vì vậy, xét nghiệm sớm là rất quan trọng.

  • Tiền sử gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em...) mắc bệnh lý tuyến giáp

Tiền sử gia đình mắc các rối loạn tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, xét nghiệm tuyến giáp được khuyến nghị thực hiện sớm trong thai kỳ.

  • Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh

Các vấn đề về tuyến giáp chưa được giải quyết có thể dẫn đến kết quả thai kỳ kém, vì vậy việc sàng lọc là rất quan trọng trong những trường hợp này.

  • Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường loại 1

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 1 có nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp cao hơn trong thai kỳ. Hệ thống miễn dịch có xu hướng tấn công tuyến giáp ở những người mắc bệnh tiểu đường đòi hỏi phải xét nghiệm và theo dõi thường xuyên.

  • Phụ nữ mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus...

Các bệnh tự miễn như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, có thể liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Vì thai kỳ có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, nên xét nghiệm tuyến giáp được khuyến nghị để tránh các biến chứng.

  • Phụ nữ bị suy giáp đang dùng thuốc

Nếu bạn đã được điều trị suy giáp, thì việc xét nghiệm tuyến giáp thường xuyên là điều cần thiết. Thai kỳ có thể gây ra sự dao động nồng độ hormone, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh thuốc để có sức khỏe tối ưu.

Có thể thấy rằng, việc hiểu và quản lý sức khỏe tuyến giáp trong thai kỳ là điều cần thiết để đảm bảo kết quả thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Nếu bạn bị bệnh tuyến giáp hoặc nghi ngờ bất kỳ vấn đề nào về tuyến giáp, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chăm sóc sức khỏe ngay lập tức để được đánh giá và chăm sóc thích hợp.

Trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện ra có vấn đề bất thường, các bác sĩ của Chuyên khoa Sản kết hợp với Chuyên khoa Nội tiết sẽ theo dõi, tư vấn điều trị để giúp kiểm soát tốt tình trạng hormone tuyến giáp. Nhờ đó sức khỏe của cả mẹ và bé đều được đảm bảo ổn định trong suốt quá trình mang thai.

Hy vọng rằng những thông tin do BSCKI.Phạm Minh Vương – Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chia sẻ trong bài viết đã giúp các mẹ bầu hiểu hơn về tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai, để từ đó có thêm kiến thức cần thiết trong hành trình chăm sóc thai kỳ.

Để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ qua HOTLINE 1900561511.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 04 : 5