• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôi dòng tâm sự về nghề điều dưỡng

Rất nhiều người hỏi tôi. Có rất nhiều nghề để chọn, tại sao em chọn nghề Điều dưỡng vất vả vậy hả em? Tôi xin trả lời rằng: ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ mệt nhọc dành cho ai?

Như bông hoa nở giữa đời

Nhẹ nhàng em đến với người ốm đau

Có cần phép thuật chi đâu

Nàng tiên áo trắng bay vào cõi nhân

Thương người chẳng quản gian nan

Sớm, khuya giường bệnh ân cần hỏi han

Bàn tay rất đỗi dịu dàng

Em mang đi cả trăm ngàn âu lo

Bước ra để lại dặn dò

Bước vào xóa nỗi buồn xo cho người

Ơi bông hoa của cuộc đời!

“Lương y từ mẫu” như lời người răn

Dẫu còn vất vả khó khăn

Không làm phai ánh trăng ngần trong em.

Họ, có người dành cả đời gắn bó với bệnh viện, xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai.

Có những người qua bao năm tuổi nghề, mới thấm nhuần rằng ngoài y đức, còn là trái tim yêu thương để có thể hiểu, đồng cảm, chăm sóc được với những nỗi đau của người bệnh.

Và đâu đó, cũng có những người trải qua bao nhiêu đắng cay, vất vả, tủi hờn... vẫn giữ vững một niềm tin yêu với nghề.

⭐️ Bởi tất cả họ đều vì hai chữ thiêng liêng “ĐIỀU DƯỠNG”…⭐️

“Cứu một mạng người, bạn có thể đã trở thành một anh hùng. Nhưng có khi phải hỗ trợ bác sĩ cứu đến một trăm mạng người, bạn mới được thừa nhận là một điều dưỡng giỏi”.

Quả đúng vậy, Người ta luôn ví nghề Điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi “khách hàng” mà họ phục vụ là những người bệnh. Mà người bệnh thì từ nhiều tầng lớp với nhiều trình độ nhận thức khác nhau và có muôn vàn tính cách, hơn nữa họ thường có tâm trạng không tốt vì đang bị bệnh.

Để đem đến sự hài lòng đối với những “khách hàng” này là một việc vô cùng khó khăn đối với y bác sĩ, đặc biệt là Điều dưỡng - người trực tiếp chăm sóc họ hằng ngày. Ai theo nghề điều dưỡng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm, bởi áp lực công việc không nói nên lời, chìm khuất trong những cơn đau và niềm vui tái sinh của người bệnh, bởi dấn thân chọn công việc cao quý này đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi cho bản thân. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp....

Nhớ lại những ngày đầu tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, đối diện với nhiều ca bệnh nhiễm COVID-19 nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, làm việc liên tục, mỗi ca trực đêm của các điều dưỡng và y bác sĩ tại đây có cường độ làm việc từ 6 đến 8 giờ/ca, phải khoác trên mình bộ đồ phòng hộ cá nhân, mồ hôi ướt đẫm khắp cả người.

Trước sự khắc nghiệt của dịch bệnh và trước bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió, mỗi tình nguyện viên chúng tôi đều không bao giờ chùn bước để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh. Chúng tôi đã tham gia với trái tim của người điều dưỡng, tự hào khi mình được đại diện cho đơn vị mình công tác đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Và cuộc chiến đó không những cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó phai, mà còn là một bước ngoặt đáng nhớ không bao giờ quên trong sự nghiệp hành nghề của bản thân. Và kể từ đó tôi càng yêu nghề và càng tự hào về nghề của tôi.

Người Điều dưỡng luôn đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Sự tận tâm phục vụ, những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và đem đến sự thành công trong nhiệm vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện. Chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, trong những năm qua, hoạt động của điều dưỡng bệnh viện đang dần hoàn thiện, nâng lên một tầm hoạt động mới, luôn xây dựng hình ảnh đẹp của người điều dưỡng bệnh viện trong lòng người dân. Đội ngũ điều dưỡng tại bệnh viện đã khẳng định được vị thế của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của bệnh viện trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn cũng như các tỉnh thành lân cận.

Qua hơn 15 năm công tác, tôi luôn tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, luôn tận tâm trong công việc để xứng đáng với ba chữ “Điều dưỡng viên”. Hạnh phúc của người điều dưỡng, đối với tôi đơn giản là những cái bắt tay, là ánh mắt rạng rỡ của người bệnh khi được xuất viện, là những nụ cười của người bệnh mỗi khi tôi bước vào phòng bệnh.

Đối với tôi nụ cười của người bệnh là phần thưởng, là nguồn động viên to lớn để tôi bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình. Nghề Điều dưỡng vất vả và khó nhọc là thế nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc và chúng tôi luôn mong muốn đóng góp một phần sức mình cho ngành y tế.

Điều dưỡng chúng tôi với ý chí, niềm tin và lòng yêu nghề, vẫn luôn cháy trong mình nhiệt huyết, khao khát mang đến sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc cho những người bệnh đang cần chúng tôi. Tôi mong rằng niềm tự hào này sẽ lan tỏa trong tất cả đồng nghiệp chúng ta, nhất là các bạn điều dưỡng trẻ, hãy cố gắng hết mình và vững tin vào tương lai tươi sáng đang chờ đón các bạn...

Hy vọng rằng những cống hiến, nỗ lực và tình yêu nghề của Điều dưỡng chúng ta luôn rực cháy và mãi vẹn tròn!

Trăm năm SEN vẫn là SEN

Nghìn năm tôi vẫn yêu nghề của Tôi.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, xin cảm ơn toàn thể nhân viên y tế nói chung và người điều dưỡng nói riêng. Kính chúc quý đồng nghiệp sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc, luôn giữ lửa tình yêu nghề, yêu người là cánh chim đầu đàn không mỏi trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xin chúc mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5.

Huỳnh Thị Phượng – Phụ trách Điều dưỡng trưởng, Khoa Ngoại tim mạch-lồng ngực

 


Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 11 : 21