• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số ca nhập viện do bệnh mạch vành tăng cao trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm hiện nay

Trong 2 tuần trở lại đây, Khoa Nội Tim mạch, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam ghi nhận số ca nhập viện do bệnh mạch vành tăng lên đáng kể so với thời điểm trước đó, thời tiết nắng nóng như hiện nay làm gia tăng bệnh mạch vành nhập viện. Trong đó có nhiều trường hợp nguy hiểm, nhất là nhồi máu cơ tim cấp, thậm chí không có các triệu chứng điển hình, khó được phát hiện.

Chia sẻ chuyên môn: TS.BS. Phan Tấn Quang

Trưởng Khoa Nội Tim mạch, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Cuối tháng 5/2024, Khoa Nội tim mạch tiếp nhận bệnh nhân L.V.C. (60 tuổi, trú thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), bệnh nhân đau ngực trái 30 phút trước khi nhập viện, tại Cấp cứu được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chuyển lên DSA tái thông mạch vành cấp cứu. Sau khi chụp được xác định huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Sau 10 Phút can thiệp các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã khai thông động mạch đã tắc và đặt 1 stent, bệnh nhân hết triệu chứng ngay lập tức và được xuất viện sau 3 ngày điều trị.

  • o   Chia sẻ của bác sĩ chuyên môn:

Câu 1: Dạ thưa bác sĩ, với thời tiết thay đổi, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay có làm tăng nguy cơ bệnh lý mạch vành không?

Bệnh mạch vành thường là biểu hiện của bệnh lý mạch máu tiến triển theo thời gian, hay gặp nhất là tình trạng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành, là động mạch đưa máu đến nuôi dưỡng quả tim. Khi mảng xơ vữa tiến triển và gây hẹp lòng mạch đến một mức độ ý nghĩa hoặc mảng vữa vỡ ra, hình thành huyết khối dẫn đến gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch vành.

Khi đó bệnh nhân có biểu hiện của bệnh lý mạch vành, tùy theo mức độ khác nhau, có thể là đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim. Như vậy, có thể nói, bệnh mạch vành là biểu hiện của một bệnh lý mạn tính của mạch vành, tiến triển dần theo thời gian trong suốt cuộc đời con người, chứ không phải là bệnh xảy ra theo mùa.

Tuy nhiên, trong những mùa có thời tiết cực đoan, như quá nóng hoặc quá lạnh, hay khi thời tiết đổi thay đột ngột, số ca bệnh mạch vành nhập viện có thể tăng do kết hợp của nhiều yếu tố khác. Sự gia tăng của các ca bệnh mạch vành, cả cấp tính và mạn tính, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay tại bệnh viện là một ví dụ.

Một số nghiên cứu cho thấy, nắng nóng quá mức là một yếu tố nguy cơ quan trọng nhưng chưa được đánh giá đúng mức đối với sức khỏe tim mạch, là yếu tố nguy cơ quan trọng góp phần gia tăng tần suất cũng như tỷ lệ tử vong liên quan đến các bệnh lý tim mạch.

Nắng nóng có thể làm gia tăng tình trạng mất nước của cơ thể, cô đặc máu, rối loạn điều hòa thân nhiệt, mạch, huyết áp, nước, điện giải, từ đó gây ra sự mất cân bằng khác trong cơ thể, nhất là ở người lớn tuổi hoặc người có các bệnh lý mạn tính sẵn có. Sự mất cân bằng đó có thể tạo áp lực lên hệ tim mạch, làm nặng hơn các bệnh lý tim mạch sẵn có, hoặc làm biểu hiện các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, trong đó có bệnh lý mạch vành.

Hình mạch vành trước can thiệp của bệnh nhân L.V.C.

Câu 2: Những người nào thì dễ bị bệnh mạch vành?

Các yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành:

  • Lớn tuổi: Là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh mạch vành. Người càng lớn tuổi thì nguy cơ mạch vành bị xơ vữa cũng như mức độ hẹp lòng mạch vành do xơ vữa, sự bất ổn của mảng xơ vữa cũng tăng lên.
  • Nam giới: Nam giới thường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch vành cao hơn nữ giới
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành
  • Ít vận động thể lực: những người không vận động thể lực thường xuyên cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với những người thường xuyên vận động thể lực.
  • Rối loạn mỡ máu: Làm gia tăng khả năng tích lũy mỡ và gây xơ vữa trong lòng mạch vành, từ đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
  • Mắc một số bệnh lý khác: Như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
  • Stress: Những người bị stress tâm lý kéo dài cũng gia tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh mạch vành.

Câu 3: Thưa bác, bệnh mạch vành không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả gì và khuyến cáo chuyên môn từ bác sĩ như thế nào cho người dân để có thể phát hiện sớm bệnh mạch vành ạ?

Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Đối với các bệnh mạch vành mạn tính, nếu không được điều trị có thể tiến triển thành thể nặng hơn, được gọi là hội chứng động mạch vành cấp, trong đó bao gồm cả nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý cấp cứu tim mạch nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao và có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề khác nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, như suy tim, rối loạn nhịp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã thực hiện thường quy các kỹ thuật can thiệp để chẩn đoán và điều trị can thiệp các bệnh lý mạch vành mạn tính và cấp tính, bao gồm nhồi máu cơ tim, giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như hạn chế thấp nhất nguy cơ các biến chứng về sau.

Triệu chứng dễ phát hiện nhất đối với bệnh mạch vành là đau ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình do bệnh lý mạch vành thường là cơn đau dạng đè ép, bóp nghẹt lên ngực, có thể nặng tức cả ngực hoặc nhiều hơn về bên trái, có thể lan dọc lên cánh tay và cẳng tay xuống đến tận ngón út. Một số triệu chứng khác có thể kèm theo ít đặc hiệu hơn như khó thở, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi... Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng. Bệnh nhân có đau ngực thì nên đi khám chuyên khoa tim mạch để tầm soát bệnh mạch vành, nhất là những người có các yếu tố nguy cơ  đã nêu trên. Ngoài ra, sức khỏe định kỳ cũng rất có lợi trong phát hiện sớm nguy cơ cũng như phát hiện và điều trị sớm bệnh lý mạch vành trong giai đoạn sớm để có kết quả tốt nhất và ngăn chặn các biến chứng về sau.

Hình mạch vành sau nong và đặt stent của bệnh nhân L.V.C.

Câu 4: Vậy thưa bác, người dân cần chú ý để phòng bệnh mạch vành, nhất là trong mùa nắng nóng này ạ?

Một số phương pháp để phòng tránh bệnh mạch vành:

- Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Lựa chọn các loại thức ăn giàu chất xơ, ngũ cốc, rau xanh, trái cây. Sử dụng chất béo không bão hòa chứa nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa. Hạn chế các thức ăn quá mặn, nhiều muối. Giảm thiểu các chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa xấu trong các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều lần. Giảm bánh kẹo ngọt, các đồ uống bổ sung đường.

- Hoạt động thể chất thường xuyên
 Thường xuyên tập thể dục với thời gian và cường độ phù hợp với tuổi, giới tính và các bệnh lý mạn tính nếu có.

- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê

Nên cai thuốc lá nếu đang hút thuốc lá, nhất là đối với người đã có bệnh mạch vành. Tránh hút thuốc lá thụ động. Hạn chế uống nhiều rượu bia và các chất kích thích như chè, cà phê.

- Duy trì cân nặng thích hợp

Cần duy trì chỉ số BMI hoặc chỉ số vòng bụng át trong giới hạn bình thường.

- Giảm các yếu tố căng thẳng
 
Tránh các áp lực tâm lý, tạo suy nghĩ và đời sống tinh thần tích cực.

- Điều trị tốt các bệnh mạn tính: Như tăng huyết áp, đái đường, suy thận, suy tim, rối loạn mỡ máu, thừa cân...

- Riêng đối với thời tiết nắng nóng như hiện nay:

·        Tránh ở ngoài trời vào thời điểm nắng nóng nhất. Theo dõi dự báo thời tiết để biết được những thời điểm đặc biệt nắng nóng và nên ở trong nhà hoặc nơi mát mẻ vào những ngày đó. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, nên lựa chọn thời điểm ít nóng như buổi tối và sáng sớm.

·        Nên mặc quần áo bằng vải cotton nhẹ, rộng rãi và thông thoáng.

·        Nên uống đủ nước để tránh cơ thể bị thiếu nước. Tránh các loại đồ uống có cồn hoặc caffein. Đối với những bệnh lý cần hạn chế uống nhiều nước, cần trao đổi với bác sĩ điều trị về lượng nước uống cần điều chỉnh hàng ngày vào những ngày nắng nóng.

·        Với người mắc bệnh lý tim mạch, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn trong những ngày nắng nóng thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để phát hiện nhanh chóng và xử trí kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra.

  •     Để đặt lịch khám và điều trị với các bác sĩ của Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Qúy khách vui lòng liên hệ:

------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG QUẢNG NAM

Đ/c: Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam

Hotline: 1900561511

Zalo OA: https://zalo.me/1675055557054703361

Website: http://www.bvtwqn.vn

Youtube: https://www.youtube.com/@BVDKTrunguongQuangNam

Fanpage: https://m.facebook.com/bvdktuqn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 09 : 8