A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

Chúng ta luôn được khuyên tránh ăn mặn nếu cơ thể đang có dấu hiệu tăng huyết áp. Vậy tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp và có nên giảm lượng muối ăn hàng ngày không? Nếu có thì cần điều chỉnh lượng muối sao cho phù hợp?

Vậy tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Để giải đáp vấn đề này hãy đến với bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS. Phan Thị Nghĩa – Bác sĩ Chuyên khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi tiêu thụ lượng muối quá lớn nhất là nhiều hơn 5g mỗi ngày thì có thể khiến cơ thể đối diện với nguy cơ tăng huyết áp cũng như các vấn đề về tim mạch. Vậy tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

Muối có thành phần chính là natri clorid. Chính vì thế khi ăn quá mặn sẽ khiến nồng độ ion natri (Na+) tăng lên. Để cân bằng, cơ thể sẽ giữ nước lại khiến bạn cảm thấy khát hơn và phải uống nước nhiều hơn để giúp nồng độ ion natri trong máu loãng hơn. Điều này sẽ làm cho tổng thể tích dịch trong cơ thể tăng cao, khiến áp lực máu cũng tăng cao hơn. Nếu điều này xảy ra trong thời gian dài thì có thể khiến huyết áp tăng và xơ cứng mạch máu. Lúc này, cơ thể sẽ đối diện với các vấn đề không tốt cho sức khoẻ như: Nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ…

Do đó mà việc kiểm soát tốt lượng muối trong chế độ ăn là vô cùng quan trọng. Nếu biết kiểm soát tốt lượng muối trong chế độ ăn sẽ giúp bạn ngăn ngừa các nguy cơ về tim mạch và huyết áp.

Đồ muối chua chứa lượng muối cao.

  1. Dấu hiệu nhận biết bạn đang ăn mặn

Việc đo lường chính xác lượng muối mà hàng ngày cơ thể tiêu thụ không phải dễ thực hiện. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được một số dấu hiệu khi cơ thể tiêu thụ hàm lượng muối cao như:

Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nạp nhiều muối

  • Khát nước vì nồng độ ion natri tăng cao khiến cơ thể cần giữ nước để cân bằng
  • Ăn quá mặn khiến huyết áp tăng cao hơn bình thường
  • Muối làm giữ nước trong cơ thể nên có thể gây ra tình trạng chân tay sưng phù
  • Khi tiêu thụ quá nhiều muối sẽ khiến cho các thức ăn khác luôn bị nhạt nhoà

Khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn sẽ tự nhận thức được cơ thể đang tiêu thụ lượng muối cao và cần điều chỉnh hàm lượng muối cân đối để bảo vệ sức khoẻ.

  1. Ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với sức khỏe

Khi đã hiểu tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp thì chúng ta hiểu được cơ chế mà muối tác động đến huyết áp của người dùng. Và huyết áp cao đang được xem là căn bệnh giết người thầm lặng vì hầu như nó không có nhiều triệu chứng. Bên cạnh đó, con người vẫn còn nhận thức kém về bệnh này hoặc không tuân thủ theo các quy tắc điều trị bệnh này.

Bên cạnh tăng huyết áp thì các bệnh về tim mạch, suy thận, loãng xương,… cũng có tác động xấu đến sức khoẻ. Và các căn bệnh này cũng là một trong những hậu quả của chế độ ăn quá mặn và nạp hàm lượng muối cao hằng ngày.

Người bệnh tăng huyết áp thường bị tăng cân do ăn nhiều muối và cơ thể tích nước.

  1. Liều lượng muối 1 ngày bao nhiêu là đủ?

Để tránh tình trạng tăng huyết áp do ăn mặn thì việc điều chỉnh lượng muối tiêu thụ hàng ngày là điều quan trọng. Dưới đây là lượng muối khuyến nghị nên dùng cho từng nhóm tuổi:

  • Người trưởng thành nên dùng dưới 6g muối tương đương với khoảng 2,4g natri

Với trẻ em thì lượng muối dùng mỗi ngày sẽ tuỳ vào từng độ tuổi

  • Trẻ sơ sinh hàng ngày đều dùng sữa mẹ, sữa công thức hay các thực phẩm tự nhiên nên đã có đủ hàm lượng natri, không cần thêm gia vị hay muối 
  • Từ 1 – 3 tuổi nên dùng dưới 2g muối, tương đương khoảng 0,8g natri mỗi ngày
  • Từ 4 – 6 tuổi nên dùng dưới 3g muối, tương đương 1,2g natri mỗi ngày
  • Từ 7 – 10 tuổi nên dùng ít hơn 5g muối, tương đương 2g natri mỗi ngày
  •  Từ 11 tuổi dùng như người trưởng thành

Bạn cũng cần lưu ý rằng, muối không chỉ tồn tại trong thức ăn đã chế biến mà còn trong các loại gia vị hay phụ gia khác. Vậy nên trước khi dùng, bạn nên kiểm tra thành phần natri trên bao bì để có được các cảnh báo tốt nhất, giúp bạn có chế độ ăn uống lành mạnh, ngăn ngừa cao huyết áp.

  1. Điều chỉnh lượng muối để giảm thiểu tác hại đến sức khỏe

Nếu bạn đã nắm được tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp nhưng chưa biết làm sao để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp thì hãy làm theo các bước sau đây:

  • Tuân thủ các khuyến nghị mà WHO đưa ra: Người trưởng thành không gặp các tình trạng bệnh về tim mạch, tiểu đường hay thận thì mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ dưới 5 – 6 gam muối. 
  • Giảm ½ hàm lượng muối cũng như các gia vị mặn khi nấu ăn
  • Nên nêm nếm trước khi muốn thêm muối hay thêm mắm vào đồ ăn
  • Nên dùng các gia vị khác như chanh ớt, tiêu,… để món ăn có thêm mùi vị và trở nên đậm đà hơn
  • Bạn có thể ước tính rằng, 1 thìa cà phê muối sẽ tương đương với 2 thìa cà phê hạt nêm hay 2,5 thìa nước mắm, tương đương khoảng 5g muối
  • Không nên ăn các loại thức ăn ngâm trong muối và cũng cần hạn chế chấm thực phẩm trong muối hay gia vị
  • Nên dùng nước mắm pha loãng thay cho nước mắm đậm đặc mỗi ngày
  • Nên ưu tiên các loại thực phẩm có hàm lượng muối thấp cho bữa ăn hàng ngày
  • Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm tươi để giảm lượng muối mà cơ thể phải tiêu thụ
  • Hạn chế việc ăn ngoài hay ăn các thực phẩm chế biến sẵn để có thể kiểm soát lượng muối mà cơ thể nạp hàng ngày

Nên kiểm soát tốt lượng muối trong khi chế biến món ăn.

  1. Người bệnh tăng huyết áp có thói quen ăn mặn nên thăm khám định kỳ

Người bệnh tăng huyết áp có thói quen ăn mặn cần đặc biệt chú ý đến việc thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi sát sao và đánh giá mức độ ảnh hưởng của chế độ ăn mặn đối với huyết áp và các chỉ số sức khỏe khác. Dựa vào tình trạng sức khỏe tổng thể và mức tăng huyết áp của mỗi người bệnh, bác sĩ có thể tư vấn chi tiết hơn về chế độ ăn uống cũng như những điều chỉnh cần thiết trong lối sống hằng ngày giúp cải thiện bệnh.

Tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm với sự hỗ trợ của hệ thống trang bị hệ thống máy móc hiện đại tiếp nhận thăm khám tầm soát và điều trị bệnh huyết áp hiệu quả.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Tư vấn, đặt hẹn: 1900561511 hoặc 0977132208

Inbox Fanpage: https://www.facebook.com/bvdktuqn

Như vậy, thắc mắc tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp đã được BS Phan Thị Nghĩa giải đáp. Không chỉ riêng người bệnh tăng huyết áp mà mỗi người chúng ta đều nên kiểm soát tốt lượng muối ăn hằng ngày, giúp phòng ngừa tăng huyết áp cũng như các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 12 : 10