A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Đái tháo đường Thế giới 2024: Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu, gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch.

Tiếp tục với chuyên đề hưởng ứng Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11/2024, mời quý độc giả cùng chúng tôi đến với bài viết chia sẻ chuyên môn tìm hiểu chi tiết về “bệnh đái tháo đường” gắn với chủ đề Ngày Đái tháo đường Thế giới 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh” từ Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thời – Chuyên khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

1. Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính do các khiếm khuyết tiết insulin, khiếm khuyết tác động của insuline hoặc cả hai.

Đái tháo đường diễn tiến âm thầm, qua nhiều giai đoạn. Khi đã xuất hiện thì thường kèm theo các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh ở. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường có thể điều trị và kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc để hạn chế biến chứng, đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Tiểu đường là hiện tượng lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường.

2. Phân loại đái tháo đường:

Trên thế giới có rất nhiều type như type 1, type 2, ĐTĐ thai kỳ, và nhiều thể khác.
Theo thống kê ĐTĐ type 2 chiếm 90% trong tổng số bệnh ĐTĐ.

Đái tháo đường typ 1

Bệnh đái tháo đường type 1 (trước đây gọi là phụ thuộc insulin, trẻ vị thành niên hoặc khởi phát từ thời thơ ấu) được đặc trưng bởi việc sản xuất insulin bị thiếu và cần phải sử dụng insulin hàng ngày.

Đái tháo đường typ 2.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 (trước đây gọi là không phụ thuộc insulin, hoặc khởi phát ở người trưởng thành) xuất phát từ việc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả.
Các triệu chứng có thể tương tự như bệnh đái tháo đường type 1, nhưng thường ít được phát hiện sớm. Kết quả là, bệnh có thể được chẩn đoán vài năm sau khi khởi phát, một khi các biến chứng đã phát sinh.

Đái tháo đường thai kỳ:

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường có giá trị đường huyết trên mức bình thường nhưng dưới mức chẩn đoán bệnh tiểu đường, xảy ra trong thai kỳ.Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ biến chứng khi mang thai và khi sinh. Họ và con cái của họ cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.Bệnh đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán thông qua sàng lọc trước sinh, thay vì thông qua các triệu chứng rõ ràng.
Các thể đặc hiệu do các nguyên nhân khác:

Hội chứng ĐTĐ đơn gen (ĐTĐ sơ sinh và ĐTĐ thể trưởng thành xuất hiện ở người trẻ: MODY), bệnh của tụy ngoại tiết(xơ nang tụy), bệnh ĐTĐ do thuốc hoặc hóa chất( dùng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS,..)

3. Ai có nguy cơ bị đái tháo đường?

Cả gene và yếu tố lối sống đều đóng một vai trò nào đó gây ra đái tháo đường. Trong khi đái tháo đường type 1 chủ yếu xảy ra do cơ chế tự miễn thì nguy cơ của đái tháo đường type 2 chủ yếu là do lối sống không lành mạnh.

Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 là:

- Trẻ em và thanh thiếu niên.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường type 1.

- Mang một số gene nhất định liên quan đến bệnh.

Những đối tượng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 là:

- Trên 45 tuổi.

- Chỉ số khối cơ thể BMI > 23kg/m2.

- Vòng bụng to: nam ≥ 90cm, nữ ≥ 80cm.

- Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc thuyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg.

- Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2 (bố, mẹ, anh chị em ruột).

- Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg.

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.

- Từng được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường (lượng đường trong máu tăng nhẹ, chưa đến mức chẩn đoán là đái tháo đường).

- Từng được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa.

- Rối loạn lipid máu, đặc biệt là khi chỉ số triglyceride cao và HDL-C thấp.

- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

- Dấu hiệu đề kháng insulin (dấu gai đen…).

4. Chẩn đoán đái tháo đường như thế nào?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), tiêu chuẩn dùng trong chẩn đoán bệnh tiểu đường được dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

  • Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose – FPG) ≥ 126 mg/dL hoặc 7 mmol/L. Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, không được uống nước ngọt, có thể uống nước lọc.
  • Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test – OGTT) ≥ 200 mg/dl hoặc 11.1 mmol/L. Bệnh nhân cần nhịn đói từ nửa đêm trước làm nghiệm pháp, sử dụng lượng glucose tương đương 75g glucose hòa tan trong khoảng 250 – 300ml nước, uống trong 5 phút; 3 ngày trước đó cần ăn khẩu phần ăn có khoảng 150 – 200g carbohydrate/ngày.
  • HbA1c ≥ 6.5% hoặc 48 mmol/mol. Khuyến cáo xét nghiệm này cần được tiến hành ở phòng thí nghiệm đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Trường hợp có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (tiểu nhiều, ăn uống nhiều mà sụt cân không rõ nguyên nhân…) hoặc mức glucose huyết tương ở bất cứ thời điểm nào ≥ 200 mg/dL hoặc 11.1 mmol/L.

Trường hợp không có các triệu chứng của tăng glucose huyết kể trên, các xét nghiệm 1, 2 và 4 cần được thực hiện lặp lại lần thứ 2, cách lần đầu khoảng 1 – 7 ngày để có kết quả chẩn đoán chính xác.

  • Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như thế nào?

Các triệu chứng đái tháo đường ở giai đoạn đầu có thể không xuất hiện hoặc chỉ có một vài triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng xuất hiện dần theo thời gian. 

Thường ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rầm rộ với biểu hiện sút cân nhanh chóng, đái nhiều, uống nhiều. Trong khi các triệu chứng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 diễn tiến âm ỉ, ít triệu chứng, thường chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc nhập viện vì một lý do khác.

Các triệu chứng cảnh báo bệnh đái tháo đường là:

- Thường xuyên khát nước và cơn khát tăng dần.

- Đi tiểu nhiều.

- Mệt mỏi, giảm cân.

- Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều (đái tháo đường type 1 khi gây biến chứng thần kinh, người bệnh có thể bị chán ăn).

- Da ngứa, khô.

- Dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành.

- Giảm thị lực, nhìn mờ.

- Chuột rút vào ban đêm, tê bì chân tay.

- Nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương.

- Nữ giới có thể bị nhiễm trùng tiết niệu, viêm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.

- Người lớn tuổi có thể bị lú lẫn, chóng mặt, ngã (do mất nước).

Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng. Một số trường hợp có biểu hiện thấy khát, đi tiểu nhiều hơn.

Bệnh đái tháo đường có thể gây đột quỵ.

  • Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường, nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng này có thể chia thành hai nhóm chính: cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính thường xảy ra đột ngột và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

  • Hạ đường huyết: Xảy ra khi lượng đường trong máu giảm quá thấp. Các triệu chứng bao gồm: đổ mồ hôi, run rẩy, hồi hộp, đói, chóng mặt, nhầm lẫn, thậm chí hôn mê.
  • Hôn mê do nhiễm toan ceton: Thường gặp ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1. Xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng, dẫn đến sự tích tụ các chất gọi là ketone trong máu. Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, ói mửa, đau bụng, thở nhanh và sâu, hôn mê.
  • Hôn mê tăng thẩm thấu

Biến chứng mạn tính phát triển từ từ và có thể không có triệu chứng ban đầu. Chúng thường gây ra tổn thương các mạch máu và thần kinh.

  •  Bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi.
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thận đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Loét, nhiễm trùng, biến dạng xương ở bàn chân.
  • Nhiễm trùng: Da, đường tiết niệu, đường hô hấp.

Biến chứng ca đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ cho thai nhi và trẻ sơ sinh:

  • Đối với mẹ: Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 sau khi sinh, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh mổ.
  • Đối với thai nhi: Trẻ sơ sinh to hơn bình thường, tăng nguy cơ vàng da, hạ đường huyết, khó thở.
  • Về lâu dài: Trẻ sinh ra của mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và đái tháo đường tuýp 2 khi trưởng thành.

Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.

Cách điều trị bệnh đái tháo đường

 Trước khi điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần được khám lâm sàng và làm một loạt xét nghiệm nhằm phát hiện các biến chứng đái tháo đường và các bệnh đồng mắc, để có kế hoạch điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ.

Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu điều trị khác nhau nhằm giảm các triệu chứng, kiểm soát lượng đường trong máu, giảm các biến chứng liên quan và giúp người bệnh đái tháo đường có cuộc sống bình thường.

Việc điều trị đái tháo đường cần kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống và rèn luyện phù hợp.

Bệnh đái tháo đường type 1 bắt buộc phải dùng insulin để điều trị. Điều trị bệnh đái tháo đường type 2 cần bắt đầu từ chế độ ăn, rèn luyện và kết hợp thuốc viên. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 chỉ điều trị bằng insulin khi các phương pháp trước đó không có hiệu quả hoặc một số trường hợp đặc biệt được chỉ định bởi bác sĩ.

Thay đổi lối sống, giảm cân ở người béo phì và duy trì cân nặng ở người không thừa cân là điều kiện thiết yếu để điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường:

- Luyện tập 30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần, không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Đi bộ là bài tập dễ áp dụng nhất, cần kết hợp với tập kháng lực. Nên tập theo thể lực của từng cá thân.

- Ưu tiên carbohydrat chưa qua tinh chế như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen…

- Bổ sung ít nhất 15g chất xơ mỗi ngày.

- Bổ sung đạm động vật và đạm thực vật từ các loại đậu, ăn nhiều cá.

- Ưu tiên chất béo tốt từ mỡ cá, dầu oliu, dầu mè, dầu lạc, các loại hạt óc chó, hạnh nhân… Không sử dụng chất béo chuyển hóa từ thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán ngập dầu.

- Bổ sung các yếu tố vi lượng nếu thiếu, giảm muối và các chất tạo ngọt.

- Không hút thuốc lá.

Bên cạnh đó người bệnh cần được:

- Kiểm soát huyết áp và lipid, phòng chống các rối loạn đông máu để giảm nguy cơ tim mạch và các biến chứng khác.

- Thường xuyên tầm soát các tổn thương ở mắt, thận, thần kinh và bàn chân để được điều trị sớm.

- Tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu, viêm gan siêu vi.

  • Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường như thế nào?

Không thể phòng ngừa được bệnh đái tháo đường tuýp 1, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.

- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập ít nhất 30 phút;

- Giảm lượng carbohydrate tinh chế, bao gồm đường và các loại thực phẩm ngọt;

- Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu;

- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì;

- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia;

- Kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 12 : 10