A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phần ưu việt sữa mẹ

Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (01/8-7/8/2024) với chủ đề  “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương” (Closing the Gap – Breastfeeding Support for All). Chúng ta cùng đến với nội dung chủ đề: "Thành phần ưu việt sữa mẹ" được chia sẻ chuyên môn từ Thạc sĩ Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

1/ Sữa mẹ có gì?

Là thức ăn hoàn chỉnh nhất, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết với tỉ lệ thích hợp cho hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ:

  • Carbohydrate (tinh bột) trong sữa mẹ gồm Lactose và Oligosaccharide Lactose có vai trò giảm lượng lớn vi khuẩn có hại bên trong dạ dày của bé, cải thiện khả năng hấp thu các dưỡng chất như canxi, magie và photpho. Oligosaccharide hoạt động như Prebiotics, có nhiệm vụ cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột của bé, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
  • Protein có trong sữa mẹ ít hơn sữa động vật, rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của bé chưa trưởng thành. Protein trong sữa mẹ là đạm Whey (chiếm 60%) dễ tiêu hoá, hấp thu hơn.
  • Lipid (chất béo) có trong sữa mẹ là một dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe của bé. Các chuỗi axit béo còn rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh, võng mạc và giúp hệ miễn dịch của bé được khỏe mạnh, hoàn thiện theo thời gian.
  • Vitamin và khoáng chất là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, lượng vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào lượng vitamin do cơ thể mẹ cung cấp. Đó là lý do tại sao người mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Hơn 40 loại enzym sữa mẹ: Hỗ trợ tiêu hoá, hấp thu sắt dễ dàng.
  • Ig A và globulin miễn dịch: kích hoạt hệ thống miễn dịch hoạt động. Bạch cầu, đại thực bào, lactoferin gắn sắt ức chế vi khuẩn: chất bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

2/ Lợi ích đối với bà mẹ

  • Cho trẻ bú ngay sau sinh giúp sổ rau nhanh, kích thích co hồi tử cung tốt và tránh mất máu cho mẹ.
  • Cho trẻ bú ngày và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa.
  •  Góp phần hạn chế sinh đẻ, chậm có kinh vì khi trẻ bú, tuyến yên sẽ tiết ra prolactin ức chế rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai. 
  • Tốt cho sức khoẻ của mẹ (giảm tỉ lệ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, thiếu máu).
  •  Tiết kiệm kinh tế: không cần mua bình, mua sữa công thức. Không phụ thuộc giờ giấc, không mất thời gian đun, vệ sinh bình sữa.
  • Gắn bó tình cảm mẹ con: giúp cho sự phát triển hài hoà của đứa trẻ.

3/ Lời khuyên WHO- Unicef

  • Sữa non, loại sữa mẹ có màu hơi vàng, dính được sản xuất vào cuối thai kỳ nên được bắt đầu cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau khi sinh.
  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ được khuyến nghị đến sáu tháng tuổi, sau đó tiếp tục cho con bú cùng với các thực phẩm bổ sung thích hợp cho đến hai tuổi hoặc sau đó nữa.

Thạc sĩ Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng truyền thông chủ đề: "Thành phần ưu việt sữa mẹ" cho các mẹ bầu tại Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

4/ Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú có ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ không?

Vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ phụ thuộc chế độ ăn của mẹ:

  • Thiếu sắt nếu mẹ thiếu máu hoặc kiêng thịt trứng rau xanh
  • Thiếu vitamin B1 nếu mẹ ăn chủ yếu là cơm thiếu thịt cá trứng
  • Thiếu Canxi nếu khẩu phần kiêng tôm, cua
  • Nếu mẹ tiếp xúc với độc chất thuốc trừ sâu, thuốc lá, rượu có truyền sang sữa mẹ => gây độc cho con
  • Thành phần axit béo và vitamin A, D, K, E trong sữa mẹ bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi chế độ ăn uống của người mẹ kiêng dầu mỡ.

5/ Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ cho con bú

  • Không vội giảm cân trong thời gian cho con bú (6 tháng đầu). Nếu bạn giảm khẩu phần năng lượng, các chất dinh dưỡng trong cơ thể mất đi. Cho con bú là cách rất hiệu quả để vừa lấy lại vóc dáng cho mẹ và vừa giúp con phát triển khỏe mạnh.
  • Về chế độ ăn, giai đoạn cho con bú, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ cao hơn cả khi mang thai. Bạn cần một chế độ ăn đa dạng, đủ chất để đảm bảo đủ sữa cho bé cả về lượng và chất. Nên ăn đủ ngày 3 bữa chính, thêm 2 - 3 bữa phụ, ăn cân đối giữa các nhóm thực phẩm.
  • Lời khuyên dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú:
  • Ăn đa dạng thực phẩm, không kiêng cữ, cũng không nên ăn quá mức một loại thức ăn nào.
  • Tinh bột (gạo, nếp, bánh mì, khoai bắp, ngũ cốc…): nên ăn khoảng 1 - 2 chén cho mỗi bữa chính.
  • Chú ý ăn đầy đủ các loại thịt, cá, trứng, tôm tép, đậu hũ, rau củ, đậu đỗ, trái cây…
  • Duy trì uống 2 - 3 ly sữa/ngày hoặc dùng các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai). Nên uống sữa dành cho bà mẹ có thai và cho con bú để cung cấp đủ can xi và các chất dinh dưỡng tốt cả cho mẹ và bé.
  • Nên ăn dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật.
  • Nên luộc, hấp, kho, hầm… hạn chế nướng, chiên rán.
  • Uống 2 - 2,5 lít nước/ngày.
  • Hạn chế uống nước ngọt. Không ăn thức ăn sống, cứng, lạnh. Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm có mùi như tỏi, chua, cay.
  • Hạn chế dùng rượu bia, cà phê, thuốc lá.
  • Bổ sung i ốt bằng cách dùng muối i ốt trong chế biến bữa ăn hằng ngày.
  • Tiếp tục uống bổ sung viên sắt và a xít folic trong suốt thời gian cho con bú.
  • Mẹ nên ăn uống điều độ, đúng giờ, không thức khuya và cần ngủ đủ giấc mỗi ngày.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 11 : 21