A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nên cắt amidan không và khi nào thì nên cắt

Có nên cắt amidan không và khi nào thì nên cắt

Amidan là vị trí cửa ngõ của cơ quan hô hấp nên viêm nhiễm là điều khó tránh khỏ. Tuy vậy, không phải trường hợp viêm amidan nào cũng cần thực hiện cắt bỏ. Vậy có nên cắt amidan hay không? Những trường hợp nào nên thực hiện cắt?

Mời quý độc giả cùng lắng nghe những chia sẻ của BSCKI.Lương Thị Kim Thương chuyên khoa Tai-Mũi-Họng giúp quý vị giải đáp các thắc mắc về vấn đề này.

Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại, vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.

  1. Những dấu hiệu nhận biết viêm Amidan

Những biểu hiện sau đây có thể giúp bạn nhận biết sớm các biểu hiện của viêm amidan.

- Khô họng và hơi thở có mùi: Vi khuẩn tích tụ và dịch mủ trong hố amidan tạo tắc nghẽn kèm theo hơi thở có mùi, ngứa họng,  khô họng, cảm giác họng có dị vật.

- Amidan phì đại (Amidan to): Phổ biến ở trẻ em với các biểu hiện khó khăn trong việc nuốt, giọng nói không rõ ràng, hệ hô hấp không thông thoát hoặc ngáy khi ngủ. Amidan phì đại quá mức có thể gây rối loạn cộng hưởng hơi thở, tiếng nói và việc nuốt.

- Biểu hiện toàn thân: Hiện tượng chấm mủ trắng hoặc vàng trong hốc miệng, xuất huyết ở amidan và vòm miệng cuống lưỡi. Lượng tế bào bạch huyết tăng đáng kể, hạch bạch huyết có thể sưng to và đau, đặc biệt là hạch bạch huyết ở thành sau hàm dưới đỏ.

- Phản ứng phụ gây hại toàn cơ thể: chất dịch tiết từ amidan bị viêm xuống dạ dày và hấp thụ độc tố gây các phản ứng như sốt, mệt mỏi, khó tiêu, chán ăn, đau đầu, giảm cân…

  1. Có nên thực hiện cắt Amidan hay không?

Không phải trường hợp viêm amidan nào cũng cần cắt bỏ amidan. Thực tế, việc chỉ định cắt amidan được hạn chế rất nhiều sau khi các chuyên gia y tế khám phá ra những lợi ích của amidan đối với sức khỏe của trẻ em. Đa số trường hợp viêm amidan nhẹ không đòi hỏi phải cắt bỏ amidan.

Chỉ khi trẻ mắc phải viêm amidan tái phát nhiều lần và amidan không còn mang lại lợi ích gì cho cơ thể, việc cắt bỏ mới được xem xét. Khi mắc phải viêm amidan, người bệnh cần tìm đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hoặc xem xét khả năng cắt bỏ amidan nếu cần thiết. Nếu có chỉ định, nên chọn bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để thực hiện phẫu thuật.

Trẻ em dưới 5 tuổi nên hạn chế cắt amidan vì có thể bị ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, trong khi người lớn trên 45 tuổi dễ gặp tình trạng chảy máu sau phẫu thuật do amidan bị xơ dính hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.

 

  1. Các trường hợp chỉ định được cắt Amidan

- Thường xuyên bị viêm amidan cấp tính, khoảng từ 5-6 lần mỗi năm.

- Viêm amidan gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.

- Amidan phì đại, gây cản trở ăn uống, ngưng thở trong lúc ngủ, ngủ ngáy to hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần dẫn tới ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh.

- Có nhiều hốc mủ, ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, khó nuốt, hoặc nghi ngờ ác tính.

  1. Sau khi cắt amidan nên ăn gì và kiêng gì?

Sau khi cắt amidan, thông thường người bệnh sẽ bị viêm họng khiến cổ họng đau, đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức gây khó khăn cho việc ăn uống. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng thuốc bác sĩ kê đơn, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng.

Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật cắt viêm amidan, bạn có thể ăn hoặc uống những thức ăn, thức uống lạnh và mềm, đồng thời tránh thức ăn cứng, sắc, cay gây kích ứng các mô chưa phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn, uống các đồ nóng vì chúng có thể gây giãn mạch máu, dẫn đến chảy máu vết mổ.

  • Những thực phẩm nên ăn/uống sau khi phẫu thuật cắt amidan

- Sữa, nước ép trái cây (không chua)

- Cháo hoặc súp giàu dinh dưỡng

- Khoai tây nghiền

- Các loại bún, phở, mì mềm

  • Những loại thực phẩm nên tránh ăn/uống sau khi cắt amidan

- Nước chanh, cam, nước ép cà chua

- Không uống hoặc ăn đồ còn đang nóng

- Thức ăn cứng, thức ăn cay

- Bánh quy giòn hoặc các loại bánh khô, khó nuốt

- Bia, rượu, thuốc lá

- Tránh súc miệng bằng nước súc miệng hóa học

Ngoài ra, để giúp nhanh hồi phục, người bệnh nên nghỉ ngơi trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật, tránh mang vác vật nặng và chỉ bắt đầu hoạt động gắng sức trở lại sau phẫu thuật khoảng 3-4 tuần. Trường hợp, trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày sau phẫu thuật nếu có hiện tượng chảy máu, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và xử lý kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 10 : 31