A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Theo bác sĩ Lê Văn Huân, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh tiểu đường là một tình trạng mạn tính gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe con người. Bên cạnh cholesterol cao và huyết áp cao, tiểu đường được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ. Nhưng thật may vì tiểu đường là yếu tố có thể kiểm soát được. 

 

  1. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Các yếu tố nguy cơ chính đối với đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc và rối loạn lipid máu. Bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ được xác định rõ ràng đối với đột quỵ. Nó có thể gây ra những thay đổi bệnh lý mạch máu ở nhiều vị trí khác nhau và có thể dẫn đến đột quỵ nếu mạch máu não đó bị ảnh hưởng trực tiếp. Hơn nữa, những người mắc bệnh đái tháo đường có kết quả điều trị sau đột quỵ xấu hơn và nguy cơ tái phát đột quỵ cao hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não là 2.27 lần, đột quỵ xuất huyết não là 1.56 lần so với những người không mắc bệnh đái tháo đường, nguy cơ tăng dần theo thời gian mắc bệnh, với nguy cơ cao hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Một số cơ chế có thể xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường dẫn đến đột quỵ bao gồm rối loạn chức năng nội mô mạch máu, tăng độ cứng động mạch sớm, phản ứng viêm toàn thân và tăng bề dày màng đáy mao mạch. Bệnh nhân đái tháo đường có động mạch xơ cứng hơn và giảm độ đàn hồi hơn, suy giảm cấu trúc của động mạch cảnh, tăng độ dày thành mạch và được coi là dấu hiệu của xơ vữa động mạch.

Đái tháo đường có 2 type bệnh chính: Đái tháo đường type I (tức là loại phụ thuộc insulin) và Đái tháo đường type II (tức là loại không nhạy cảm với insulin). Bệnh tiểu đường loại II phổ biến hơn nhiều, chiếm phần lớn (khoảng 90%) trường hợp. Cả hai loại bệnh đái tháo đường đều gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh nhân đái tháo đường type I nguy cơ bệnh mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên hơn. Ngược lại, những người mắc bệnh đái tháo đường type II có nhiều khả năng bị béo phì, bệnh động mạch ngoại biên, xơ vữa động mạch lớn và đột quỵ hơn.

Quản lý chặt chẽ bệnh nhân đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác có thể cải thiện kết quả điều trị đột quỵ và giảm nguy cơ đột quỵ tái phát

  1. Các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng thiếu máu và oxy cung cấp cấp đến các tế bào não. Nó xảy ra khi một mạch máu não tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi vùng não mà nó chi phối hoặc động mạch não bị vỡ ra làm chảy máu ra xung quanh. Từ đó, người ta phân đột quỵ thành 02 loại chính là đột quỵ xuất huyết não và đột qụy nhồi máu não.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, được chia làm 2 nhóm sau:

a. Các yếu tố nguy cơ đột quỵ không thể thay đổi được:  bao gồm tuổi tác, giới tính, chủng tộc và di truyền

+ Tỷ lệ mắc đột quỵ tăng theo tuổi, với tỷ lệ mắc tăng gấp đôi mỗi thập kỷ sau tuổi 55

+ Ở độ tuổi trẻ, phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nam giới, nhưng sau mãn kinh, nguy cơ ở nam giới cao hơn một chút

+ Tiền sử cha mẹ và tiền sử gia đình bị đột quỵ 

b. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

+ Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được quan trọng nhất đối với đột quỵ.

+ Rung nhĩ: Tăng tỉ lệ đột quỵ gấp 5 lần.

+ Rối loạn mỡ máu: Nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng lên do tăng cholesterol toàn phần và giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ khi tăng cholesterol HDL

+ Hành vi ít vận động: Không hoạt động thể chất có liên quan đến nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm cả đột quỵ.

+ Hội chứng chuyển hóa bao gồm béo phì, rối loạn lipid máu, tiền tăng huyết áp và tiền tiểu đường

+ Uống rượu, lạm dụng chất gây nghiện và hút thuốc

+ Viêm và nhiễm trùng:  Nhiễm virus hoặc các bệnh lý, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp: Tăng nguy cơ đột quỵ, cũng như chúng có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác và tử vong do mọi nguyên nhân

  1. Giảm nguy cơ đột quỵ do đái tháo đường bằng cách nào?

Quản lý chặt chẽ đường máu trên bệnh nhân đái tháo đường có thể cải thiện kết quả đột quỵ và giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Việc kiểm soát này nên thực hiện trên đa phương diện

Mục đích của phòng ngừa đột quỵ là giảm tỷ lệ mắc đột quỵ thông qua việc điều chỉnh có mục tiêu một yếu tố nguy cơ đơn lẻ hoặc một nhóm nhiều yếu tố nguy cơ

a. Điều chỉnh lối sống

Chế độ ăn khoa học

  • Bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn kiêng khoa học: 
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày với khẩu phần ăn nhỏ
  • Lựa chọn các loại thực phẩm chứa carbohydrate chưa qua tình chế như ngũ cốc nguyên hạt
  • Thực phẩm giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và kiểm soát lượng đường trong máu: Rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… 
  • Ăn cá tốt cho sức khỏe tim mạch: cá hồi, cá thu, cá ngừ giàu acid béo omega-3, 6
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, thịt bò, xúc xích, bánh nướng… các thực phẩm này chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tạo các mảng lipid bám lấy động mạch gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao
  • Giảm lượng muối ăn trong một ngày
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
  • Không hút thuốc lá
  • Giảm cân
  • Ngủ sớm, đủ giấc

Thể dục thể thao

  • Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ.

b. Kiểm soát bệnh nền

Thông thường, những người mắc bệnh tiểu đường có đồng thời các bệnh nền: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, do đó người bệnh nên được quản lý thường xuyên dựa vào những mục tiêu về nồng độ glucose máu, tình trạng kháng insulin cơ thể và các bệnh nền kèm để tối ưu hoá mục tiêu, cá thể hóa điều trị người bệnh một cách khoa học nhất tại các cơ sở y tế.

Trên đây là các thông tin về mối quan hệ giữa đái tháo đường và đột quỵ. Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng có thể dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Kiểm soát đường huyết thông qua thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ liên quan như huyết áp, rối loạn lipid máu là những những bước quan trọng để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

—-----------------------------------
♻️ Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch hẹn khám bệnh hoặc cần giải đáp thắc mắc về các dịch vụ thăm khám, vui lòng liên hệ bằng các hình thức:
☎️ Tư vấn, đặt hẹn: 1900561511 hoặc 0977132208
💬 Inbox Fanpage: https://www.facebook.com/bvdktuqn
—------------------------------------
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG QUẢNG NAM
⛳️Đ/c: Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
☎️ Hotline: 1900561511
🔵 Zalo OA: https://zalo.me/1675055557054703361
🌐 Website: http://www.bvtwqn.vn
🎥 Youtube: https://www.youtube.com/@BVDKTrunguongQuangNam
💠Fanpage: https://m.facebook.com/bvdktuqn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 07 : 27