Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, nên kiêng gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng có dịch và thức ăn trào lên thực quản và gây ra các triệu chứng và/hoặc biến chứng ở thực quản. Các biến chứng đó là hẹp thực quản, Barrett thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Bài viết được chia sẻ bởi Bác sĩ Tô Hùng đến từ Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Các triệu chứng điển hình thường gặp: ợ nóng, ợ chua, trớ,... Đôi khi gặp các triệu chứng không điển hình như ho mạn tính, viêm họng, viêm xoang,…
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nhiều mức độ bệnh từ triệu chứng nhẹ không viêm thực quản đến triệu chứng nặng có viêm thực quản nặng, biến chứng hẹp thực quản, ung thư thực quản,…
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là đo pH thực quản 24h, nhưng kỹ thuật này chưa phổ biến tại Việt Nam, kể cả ở các bệnh viện lớn. Tuy nhiên bằng nhiều kỹ thuật khác như sử dụng thang điểm chẩn đoán, nội soi thực quản dạ dày, chụp thực quản cản quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính,…bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
Người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ bệnh trào ngược cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt khi có các triệu chứng báo động cần phải nội soi thực quản dạ dày:
- Trào ngược dai dẵng hoặc tăng lên sau khi điều trị.
- Nuốt khó, nuốt đau.
- Sụt cân.
- Nôn .
- Xuất huyết tiêu hóa.
- Thiếu máu.
- Phát hiện u, loét, hẹp thực quản bằng các phương tiện chẩn đoán khác.
Lối sống và chế độ ăn được khuyến cáo cho người bệnh trào ngược thực quản
- Giảm cân: Giảm 3-5% trọng lượng cơ thể, cần giảm từ từ, không nên quá 1,6 kg/tuần
- Bỏ thuốc, bỏ rượu bia
- Tránh ăn quá no
- Tránh thức ăn nhiều chất béo, đặc biệt là thức ăn nhanh
- Tránh cà phê, chocolate, bạc hà
- Tránh nằm trong 3h sau ăn
- Nâng cao ngực và đầu khi ngủ: cao hơn 80 – 100 so với mặt phẳng nằm ngang
- Tránh một số thuốc: chẹn Beta, kháng cholinergic, chống trầm cảm, theophylin, chẹn Calc, nhóm Nitrate
- Mặc quần áo rộng