• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâu răng và những biến chứng nguy hiểm

Sâu răng, bệnh lý răng miệng mà nhiều người mắc phải nhất hiện nay, đặc biệt là ở trẻ em do thói quen ăn nhiều đồ ngọt và vệ sinh răng miệng không tốt sau khi ăn. Với diễn biến âm thầm đi kèm nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng đa số chúng ta vẫn chưa nhận thức được mức độ tàn phá mà sâu răng gây ra cho sức khoẻ răng miệng.

Hãy cùng đến với những chia sẻ chuyên môn qua bài viết của Bác sĩ Phan Thị Lê Vy, Khoa Răng Hàm Mặt BVĐK Trung ương Quảng Nam với chủ đề: “Sâu răng và những biến chứng nguy hiểm”.

  1. Dấu hiệu sâu răng

Sâu răng là những vùng bị tổn thương không hoàn nguyên trên bề mặt răng, phát triển từ những lỗ nhỏ li ti trên răng. Sâu răng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, nhâm nhi đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng kém.

Sâu răng là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến nhất trên thế giới. Sâu răng gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt nhiều ở trẻ em - là những đối tượng hay ăn ngọt nhưng chưa ý thức rõ tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng. Nếu sâu răng không được điều trị sớm, chúng sẽ dẫn đến những diễn biến nặng hơn, gây ảnh hưởng đến các lớp cấu trúc răng bên dưới, dẫn đến đau răng nghiêm trọng, nhiễm trùng và sau cùng là mất răng.

Có 2 giai đoạn sâu răng đó là: giai đoạn sớm khi chưa hình thành lỗ sâu và giai đoạn khi lỗ sâu đã được hình thành.

Triệu chứng thực thể:

- Vị trí: Trên các mặt răng, tỷ lệ tổn thương theo vị trí còn phụ thuộc vào từng độ tuổi hay loại răng.

- Lỗ sâu: Đáy gồ ghề, đổi màu men răng, màu sắc thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của tổn thương.

- Sâu răng đang tiến triển: Đáy lỗ sâu mềm, nhiều ngà mủn.

- Sâu răng đã ổn định: Đáy lỗ sâu cứng, nâu đen.

- Đau răng: Răng nhạy cảm

- Đau nhẹ hoặc buốt cả răng khi ăn hoặc uống đồ ngọt, nóng hay lạnh.

- Lỗ sâu có thể thấy được hoặc những cái hố lõm trong răng.

Đau răng là triệu chứng rất thường gặp.

  1. Nguyên nhân dẫn đến sâu răng

- Các dạng mảng bám: Mảng bám răng là một màng dính trong suốt bao phủ răng. Chúng hình thành do ăn nhiều đường, tinh bột và vệ sinh răng miệng không kỹ. Khi đường và tinh bột không được làm sạch khỏi răng, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công bề mặt răng và hình thành mảng bám. Mảng bám trên răng cứng lại bên dưới hoặc bên trên đường viền nướu, hình thành cao răng. Cao răng làm cho mảng bám khó loại bỏ hơn và tạo lá chắn cho vi khuẩn.

- Các axit trong mảng bám: Axit sản sinh từ quá trình chuyển hóa đường và tinh bột của vi khuẩn trong mảng bám làm mất khoáng chất trong men răng, bên ngoài bề mặt răng. Sự ăn mòn này gây ra những lỗ li ti hoặc lỗ nhỏ trên men răng. Từ vùng men răng bị mòn, vi khuẩn và axit có thể xâm nhập vào lớp tiếp theo là ngà răng. Lớp này mềm hơn men răng và dễ bị tấn công hơn, tiến triển nhanh. Trong ngà răng có các ống nhỏ thông trực tiếp với dây thần kinh của răng gây ra tình trạng nhạy cảm, ê buốt.

- Vi khuẩn và axit tấn công tủy răng: khi sâu răng phát triển, vi khuẩn và axit tiếp tục tấn công sâu vào cấu trúc răng, qua lớp ngà răng đến tủy – nơi chứa dây thần kinh và mạch máu nuôi răng. Nướu sưng tấy và bị kích ứng do vi khuẩn, vết sưng lan rộng bên trong răng, dây thần kinh bị chèn ép, gây đau. Cảm giác khó chịu thậm chí có thể lan ra ngoài chân răng đến tận xương, gây đau nhức cả vùng phần hàm.

  1. Những biến chứng của bệnh sâu răng

a. Sâu răng gây viêm tuỷ răng:

Sâu răng hình thành từ vi khuẩn từ các mảng bám thức ăn thừa, tấn công từ men răng sâu dần vào ngà răng và tuỷ răng gây viêm tuỷ răng.

Viêm tuỷ răng nặng thường đi kèm đau nhức, ê buốt lan theo phần hàm kéo dài nên rất khó chịu, nhiều trường hợp vì đau răng dẫn đến mất ngủ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ cơ thể.

Sâu răng trong giai đoạn này đã rất nặng. Nhìn vào thân răng có thể thấy những lỗ sâu đen, nhiều trường hợp còn gây mẻ, vỡ 1 phần răng.

Viêm tuỷ răng kéo dài còn gây thêm biến chứng áp – xe chân răng có mủ gây nguy cơ hoại tử phần xương hàm cao nếu không được điều trị kịp thời.

Các giai đoạn sâu răng chuyển nặng.

b. Mất răng vĩnh viễn:

Sâu răng ăn sâu vào tuỷ gây viêm tuỷ làm cấu trúc mô răng suy yếu dần đến lúc không còn khả năng bảo tồn sẽ phải nhổ bỏ dẫn đến mất răng vĩnh viễn.

Sâu răng làm viêm nướu, viêm nha chu làm cho vùng dây chằng xung quanh răng lỏng lẻo, không còn bám chặt vào chân răng làm răng lung lay, dễ rơi ra khỏi ổ răng.

c. Nguy cơ mắc bệnh viêm xoang:

Các bệnh lý viêm, nhiễm trùng răng miệng đã được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh viêm xoang, viêm mũi.

Bệnh viêm xoang hình thành do sự viêm nhiễm của các răng hàm trên có chân răng nằm sát với xoang hàm hoặc vùng chân răng nằm một phần trong xoang. Ở giai đoạn sâu răng viêm nhiễm nhẹ nếu được điều trị sẽ ngăn chặn được bệnh viêm xoang, nhưng khi nhiễm trùng răng đã lan rộng phía chóp gây biến chứng viêm xoang thì buộc phải điều trị răng nguyên nhân thì bệnh viêm xoang mới có thể chấm dứt hẳn.

d. Nguy cơ gây bệnh tim mạch:

Nhiễm trùng răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu hình thành nên các vết lở, viêm loét ở nướu răng từ đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tuần hoàn máu tác động trực tiếp lên tim, máu.

Trong các bệnh lý về nhiễm trùng răng miệng có các loại vi khuẩn đặc hiệu như streptococus- đây là loại vi khuẩn có liên quan mật thiết với các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp và gây ra các bệnh lý tim mạch. Vi khuẩn này khi đã vào sâu trong thành mạch sẽ trở nên rất mạnh mẽ làm hệ miễn dịch khó phát hiện nên thành mạch máu lúc này rất dễ bị tổn thương, nguy cơ xuất hiện các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim cao.

Nhìn chung ngoài bệnh tim mạch, vi khuẩn sâu răng còn tác động trực tiếp đến mọi cơ quan trên cơ thể như hệ hô hấp, gây ung thư miệng, bệnh tiểu đường,… nên chúng ta không được chủ quan xem thường sức tàn phá của chúng.

  1. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh sâu răng

Bệnh sâu răng chỉ xảy ra khi cả 3 yếu tố vi khuẩn, đường và thời gian cùng tồn tại. Vì thế, để phòng ngừa sâu răng thì việc cần làm là ngăn chặn 1 hoặc 3 yếu tố trên xuất hiện cùng lúc. Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor, đánh răng ít nhất ngày 2 lần và sau khi ăn hoặc uống. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Ngoài ra, cần đi kiểm tra răng miệng thường xuyên để giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng để xử lý kịp thời.

Điều trị: dùng vật liệu hàn để bịt kín lỗ sâu răng không cho các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, hóa chất tấn công phá hủy mô răng. Có 3 loại vật liệu được sử dụng nhiều để trám răng phổ biến là Composite, Glassionomer (Fuji), Amalgam.

Hạn chế những thực phẩm không tốt cho răng như: các loại đồ ngọt, thực phẩm chua có tính axit, thực phẩm có chất dính khó loại bỏ.

Nên ăn các loại thực phẩm như: Phô mai, trái cây, rau quả, rau mùi, sữa chua, nước trà, hạt mè, củ hành tây, đậu nàng và trứng.

Hãy chăm sóc và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng, đến phòng khám nha khoa ngay khi có dấu hiệu của bệnh để được điều trị tránh những biến chứng không mong muốn. Hãy đảm bảo các bệnh về răng miệng không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ tại Khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Trung ương Quảng Nam giúp bạn phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sự tấn công của sâu răng, đe doạ sức khỏe răng miệng.


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 09 : 20