• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư vấn bệnh lý gãy xương đùi ở người già

Tư vấn bệnh lý gãy xương đùi ở người già

Thông tin chuyên môn do BSCKI.Trình Anh Hoàng-Khoa Ngoại chấn thương và BSCKI.Lê Viết Hiền-Phụ trách khoa Phục hồi chức năng cung cấp và chia sẻ.

Gãy xương đùi ở người già là bệnh lý thường gặp và nguy hiểm. Ở người cao tuổi, do tình trạng loãng xương khiến một chấn thương té ngã đơn giản cũng dễ gây gãy xương, trong đó gãy xương đùi chiếm tỷ lên cao hơn cả. Việc gãy xương đùi có thể dẫn tới tử vong ở người già.

Theo nhiều nghiên cứu, các bệnh nhân cao tuổi gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi không được điều trị phẫu thuật thì tỉ lệ tử vong trong 3 tháng đầu dao động từ 26,4%-36%, 14 % bệnh nhân bị suy kiệt, loét vùng tỳ đè, 40% bệnh nhân không liền xương hoặc liền xương xấu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy phẫu thuật sớm là lựa chọn cần thiết cho các bệnh nhân cao tuổi gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi.

 

PV: Thưa BS.CKI. Trình Anh Hoàng. Bác sĩ có thể chia sẻ đôi chút về bệnh lý gãy xương đùi ở người cao tuổi ạ?  

Như chúng ta đã biết, theo thời gian xương của chúng ta trở nên thưa loãng, khối lượng cơ và sức cơ giảm. Điều này giải thích vì sao người cao tuổi dễ ngã và xương dễ gãy hơn, nên chỉ cần ngã nhẹ đập hông xuống cũng có thể gây gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi.

Tại châu Âu, cứ 30 giây lại có một người bị gãy xương do loãng xương. Tỷ lệ gãy xương do loãng xương hàng năm cao hơn tỷ lệ của nhồi máu cơ tim, đột quỵ và ung thư vú cộng lại. Bệnh loãng xương đang trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng hiểu bệnh loãng xương là gì và chưa chủ động phòng ngừa bệnh một cách tích cực.

PV: Có thể thấy gãy xương đùi là rất nguy hiểm. Xin BS.CKI. Trình Anh Hoàng cho biết các yếu tố nguy cơ của bệnh lý gãy xương đùi ở người cao tuổi? 

  • Loãng xương do tuổi, giới tính, chủng tộc, di truyền, tiền sử gia đình

Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương. Cùng độ tuổi này, ở nam giới thì cứ 5 người lại có 1 người bị. Tuổi càng cao, hoạt động của tạo cốt càng giảm và hoạt động của hủy cốt bào càng tăng, trong khi sự hấp thu calci ở ruột giảm đi và sự tái hấp thu calci ở ống thận cũng giảm. Ngoài ra ở người già, các nội tiết tố cũng giảm, sự hấp thu tiền vitamin D qua da cũng giảm…

Xét về phương diện chủng tộc thì người da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn người da đen. Theo các yếu tố di truyền cũng có một số gen liên quan đến làm giảm mật độ xương và loãng xương.

  • Yếu tố thể chất

Những người có thể chất thấp bé, nhẹ cân (chỉ số BMI<19), gầy sút nhanh sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao. 

  • Yếu tố bệnh lý

- Các tình trạng gây giảm hormone sinh dục: mãn kinh, cắt buồng trứng, mất kinh kéo dài, không sinh đẻ…

- Cường cận giáp, cường tuyến giáp, đái tháo đường phụ thuộc insulin.

- Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, biến dạng cột sống.

- Bệnh dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu, chán ăn, bệnh lý gan mật, suy thận, tăng calci máu, suy tủy, sau ghép phủ tạng, bất động kéo dài, ung thư, thiếu máu huyết tán …

  • Tác dụng phụ của thuốc

Việc sử dụng các loại thuốc như corticoid, heparin, phenyltoin, điều trị thyroid quá liều, thuốc hóa trị liệu, tia xạ, thuốc chống động kinh, tetracyclin, cyclosporin, rifampicin… cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương.

  • Các yếu tố khác

- Hút thuốc lá nhiều, uống rượu

- Chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, thiếu calci, vitamin D, C…

 

PV: Vậy thưa Bác sĩ Trình Anh Hoàng, chúng ta cần làm gì để phòng ngừa và hạn chế việc loãng xương ?

Việc phòng bệnh loãng xương cần được đặt ra ngay từ khi còn trẻ, ở tất cả các lứa tuổi và cần đảm bảo các vấn đề sau:

  • Lối sống lành mạnh

Để phòng bệnh loãng xương, cần duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên rèn luyện thể lực đều đặn để tăng sức chịu tải của cơ thể, giúp xương chắc khỏe, làm tăng mật độ xương và làm giảm sự mất chất xương.

Đồng thời, trong bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, protein, calci, vitamin D, C, các nguyên tố vi lượng

  • Từ bỏ các thói quen xấu

Bỏ thuốc lá có thể giảm tới 40% nguy cơ gãy cổ xương đùi, việc sử dụng nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi.

  • Phòng tránh ngã

Tập liệu để tăng độ chắc cơ bắp, khám kiểm tra thị lực thường xuyên, tránh tác dụng phụ của những thuốc có thể dễ gây ngã.

  • Đo mật độ xương

Được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và hỗ trợ điều trị Loãng xương.

PV: Thưa BSCKI.Lê Viết Hiền, đối với bệnh nhân phẫu thuật xương đùi chuẩn bị xuất viện có cần tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng thêm hay không?

Người bệnh sau khi phẫu thuật nên được thăm khám lượng giá và bắt đầu chương trình tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

Chương trình tập phục hồi chức năng tổng quan bao gồm các nội dung: giảm đau, cải thiện tầm vận động khớp( nếu có cứng khớp ), tập luyện tăng cường sức mạnh các nhóm cơ, chỉnh sửa dáng đi , cải thiện khả năng di chuyển (độc lập hoặc dụng cụ trợ giúp ) và thực hiện các hoạt động sinh hoạt, công việc hằng ngày.

PV: Việc phục hồi gãy xương đùi sau điều trị là quá trình lâu dài và phải có phương pháp vật lý trị liệu phù hợp. Xin bác sỹ Lê Viết Hiền tư vấn về phục hồi chức năng do gãy xương đùi ạ ?

Việc phục hồi chức năng sau gãy xương đùi cần có thời gian và chương trình cụ thể, phù hợp với các yếu tố như: độ tuổi, nguyên nhân gãy, vị trí gãy, phương pháp điều trị ngoại khoa (bó bột, khung kéo, đóng đinh nội tủy, kết hợp xương bằng nẹp vis,...).

Các phương pháp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng tổng quan: điện trị liệu (điện xung, điện kích thích,..); nhiệt trị liệu (chườm lạnh, chườm nóng, hồng ngoại, siêu âm điều trị, sóng ngắn,..); xoa bóp cục bộ, tập vận động và hoạt động trị liệu.

Tùy vào mỗi giai đoạn sẽ có các phương pháp vật lí trị liệu – phục hồi chức năng cụ thể. Bệnh nhân có thể gặp trực tiếp Bác sĩ phục hồi  chức năng để được lên chương trình riêng cho bản thân.

 

PV: Gãy xương đùi là bệnh lý nguy hiểm. Vậy, xin các bác sỹ Hiền cho biết những biện pháp phòng ngừa chấn thương gãy xương đùi mà những gia đình có người cao tuổi cần lưu ý không ạ?

Người cao tuổi thường trí tuệ và sức khỏe giảm sút. Mắt cũng như tứ chi cũng không còn tinh tường, nhanh nhẹn, Thế nên để phòng ngừa các tai nạn không đáng có trong cuộc sống, con cháu cần đảm bảo để người cao tuổi có các điều kiện sau:

       Phòng ốc luôn sạch sẽ, đủ ánh sáng, các công tắc, phích cắm điện dễ tiếp cận, đảm bảo an toàn.

Phòng tắm và vệ sinh phải an toàn, có ghế ngồi, nên lót thêm tấm chống trượt.

Đi giày dép và chân, nên chọn giầy đế thấp tầm 3cm.

Duy trì các hoạt động thể lực với các bài tập giúp giữ thăng bằng, tăng cường độ dẻo dai cho đôi chân như đi bộ, tập dưỡng sinh, đạp xe…

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 11 : 23