• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dinh dưỡng dự phòng và điều trị ung thư

Chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng thế nào để dự phòng ung thư, khi đang điều trị ung thư bạn cần có nguyên tắc dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch và nâng cao chất lượng sống.

Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp qua lời chia sẻ chuyên môn của Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Hương – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam về chủ đề: “Dinh dưỡng dự phòng và điều trị ung thư”.

  1. Vai trò của dinh dưỡng trong dự phòng ung thư

Một chế độ ăn quá thừa năng lượng, quá nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ăn không đủ trái cây và rau quả và mất cân bằng các chất dinh dưỡng, mất cân bằng acid béo omega-3 và omega-6 là một trong những yếu tố gây nên tình trạng thừa cân béo phì, một trong những yếu tố góp phần gây ung thư đại trực trạng, ung thư thực quản, phổi, dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt. Vì thế, thay đổi chế độ ăn uống kết hợp hoạt động thể chất lành mạnh và kiểm soát cân nặng tốt góp phần cải thiện đáng kể nguy cơ ung thư.

2. Dinh dưỡng dự phòng trong bệnh ung thư

Dinh dưỡng thai kỳ hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn để phòng ngừa thừa cân béo phì.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng (thịt, cá, trứng sữa, rau xanh và trái cây, sử dụng chất béo không bão hòa đơn có trong cá, các loại hạt và dầu oliu).

Hạn chế thịt đỏ (dưới 70 gam/ ngày hoặc dưới 500 gam/ tuần). Không ăn thịt chế biến sẵn.

Ăn 3 – 4 đơn vị rau xanh (300 – 400 gam)/ ngày và 3 đơn vị trái cây (200 - 300 gam/ ngày. Rau xanh đặc biệt là nhóm rau họ cải, đậu bắp, măng tây… chứa nhiều chất chống oxy hóa carotenoids, vitamin C, phytochemical

Hạn chế đường đơn không quá 25 gam/ ngày.

Hạn chế rượu bia 1-2 đơn vị cồn/ ngày. 1 đơn vị tiêu chuẩn (10 gam cồn nguyên chất) tương đương với 3/4 chai hoặc một lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 ly bia hơi 330 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 30 ml (40%).

Vận động thể lực trung bình 150 phút/ tuần hoặc ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Không hút thuốc lá.

3. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị ung thư. Dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, duy trì sinh tồn cơ thể; giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị giúp người bệnh vượt qua liệu trình điều trị. Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối sẽ hạn chế sự nhân lên của tế bào ung thư, giảm sự tăng sinh mạch máu; hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.

Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng, giai đoạn điều trị bệnh và từng bệnh lý ung thư khác nhau. Tuy nhiên người bệnh ung thư cần tuân thủ theo nguyên tắc nhằm đảm bảo sức khoẻ.

- Cung cấp đủ và cân đối chất dinh dưỡng giữa đạm động vật và thực vật. Người bệnh ung thư mất cơ nhiều, mà cơ bắp được thúc đẩy bởi axit amin mạch nhánh. Các axit amin đó có nhiều trong thịt ức gà, trong hạt vừng... Người bệnh nên giảm ăn thịt đỏ, tăng cường ăn cá. Đặc biệt, chất béo của cá có nhiều omega 3 tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp.

- Các loại hạt như óc chó, hạt điều, vừng tốt cho người bệnh ung thư. Các thực phẩm này không chỉ có protein tốt mà còn có chất béo tốt, giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Tăng cường ăn nấm, bởi trong nấm có chất đạm, se len, kẽm tốt cho việc phòng chống ung thư.

- Tăng lượng chất khoáng từ rau củ quả. Ăn rau cũng giúp người bệnh tăng cường chất xơ, không bị táo bón. Các nước ép từ củ cải đỏ, cà rốt, táo rất tốt... có nhiều chất chống oxy hóa giúp tăng sức đề kháng.

- Hạn chế thực phẩm chiên, rán bởi có nhiều chất béo không tốt cho người bệnh ung thư.

- Thực phẩm cần chế biến mềm, lỏng, tránh cay mặn

- Bổ sung vitamin B12 và folat cho người bệnh sau phẫu thuật dạ dày

4. Tăng cường miễn dịch và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư

Bổ sung Arginin; Omega-3 và Glutamin giúp cải thiện các chức năng miễn dịch ở người bệnh ung thư trải qua phẫu thuật và giảm các biến chứng nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện, giảm sự sụt cân và cải thiện sự sống còn. Tuy nhiên, bất kỳ chất bổ sung dinh dưỡng cụ thể nào dựa trên kế hoạch chăm sóc bệnh ung thư mà sử dụng với liều cao cũng có thể gây hại. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, hãy luôn nói chuyện với bác sỹ chuyên khoa ung thư và đội ngũ chăm sóc của bạn trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào. Hãy đảm bảo rằng họ biết về tất cả mọi thứ bạn đang sử dụng.

5. Một số tác dụng phụ trong điều trị ung thư và cách xử lý:

Một số tác dụng phụ trong điều trị ung thư ảnh hưởng đến sự thèm ăn và cân nặng như tiêu chảy, nôn, buồn nôn, viêm miệng và thay đổi vị giác.

Chế biến thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như súp, sữa hoặc nước ép trái cây hoặc trái cây xay và bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể.

Bổ sung 1 số thực phẩm để tăng hương vị cho món ăn như: chanh, tỏi, thì là, hương thảo. Tuy nhiên, người bệnh bị đau rát miệng thì cần tránh thức ăn có quá nhiều vị chua (acid), chẳng hạn như chanh hoặc các loại cam quýt khác, hoặc tránh cay nóng, chẳng hạn như các loại ớt.

Chia nhỏ bữa ăn 5- 6 bữa, để đảm bảo rằng các bữa ăn nhỏ cộng lại sẽ cung cấp đủ lượng calo cần thiết.

Ăn đa dạng các loại thực phẩm như cá, trứng, phô mai, đậu, các loại hạt, bơ hạt, đậu phụ, sinh tố giàu protein.

Nếu bạn cảm giác có vị kim loại trong miệng, hãy ngậm kẹo bạc hà, hoặc kẹo chanh, nhai kẹo cao su, hoặc thử ăn các loại trái cây có hương vị chua như các loại quả họ cam chanh. Sử dụng dụng cụ nhựa và nấu ăn bằng các loại nồi chảo không có kim loại. Cũng có thể thử đánh răng hoặc súc miệng trước khi ăn. Tuy nhiên nếu bạn bị ung thư đại trực tràng thì cần tránh những thực phẩm gây tiêu chảy như nước ép mận, nước ép nho; hạn chế rau nhiều xơ như rau chân vịt, ngô (bắp), đậu hà lan.

Thực phẩm nên dùng khi bị tiêu chảy:

  • Uống đủ nước (6-8 ly nước 250 ml); bổ sung điện giải (ORS) để tránh rối loạn điện giải. Có thể bổ sung nước bằng cách dùng thêm nước trà pha loãng hoặc nước hoa quả; nước dừa.
  • Bổ sung sữa chua hoặc men vi sinh đường ruột. Có thể sử dụng sữa tách đường lactose.

Thực phẩm nên tránh: bia, rượu, các thực phẩm sinh hơi như cải bắp, súp lơ, đậu đỗ, thực phẩm giàu xơ: rau sống, hoa quả sấy khô, đồ chiên rán.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 11 : 23