A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ruột thừa có tác dụng gì ? Khi nào thì nên cắt bỏ ?

Ruột thừa có tác dụng gì ? Khi nào thì nên cắt bỏ ?

Nhiều người cho rằng, ruột thừa không phải là một cơ quan cần thiết đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Vậy suy nghĩ này có chính xác không? Bài viết sau sẽ giúp độc giả tìm hiểu chức năng của ruột thừa.

Mang tên “ruột thừa” nên nhiều người cho rằng ruột thừa chẳng có chức năng gì đối với cơ thể cả. Không những thế, khi bị viêm người bệnh còn phải đối mặt với cơn những đau, thậm chí nếu không được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, ruột thừa sẽ bị hoại tử gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, cơ quan này cũng nhiều chức năng có lợi cho cơ thể.

 

  1. Ruột thừa là gì ?

Ruột thừa là một phần trong ống tiêu hóa của con người, nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Ruột thừa là một ống nhỏ hình ngón tay, ở người lớn dài khoảng 3-13cm, lòng ruột thừa có đường kính khoảng 6mm.

Viêm ruột thừa được cho là do tắc nghẽn lòng ruột thừa, điển hình là do tăng sản bạch huyết nhưng đôi khi do sỏi phân, dị vật, khối u hoặc thậm chí là do giun. Tắc nghẽn gây chướng, vi khuẩn phát triển, thiếu máu cục bộ và viêm. Nếu không được điều trị, hoại tử, hoại thư và thủng ruột có thể xảy ra. Nếu ruột thủng được mạc nối bọc lại, ổ áp xe ruột thừa sẽ hình thành.

  1. Vị trí của ruột thừa

Thông thường, ruột thừa nằm ở bụng dưới bên phải. Ngoài ra còn có thể gặp ruột thừa ở những vùng khác như giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới.

Một số vị trí khác của ruột thừa có thể gặp thường xuyên trong thực hành phẫu thuật như :

  • Nằm xiên và nằm xuống dưới (vị trí trung gian - manh tràng).
  • Theo chiều ngang và nằm bên dưới ruột già (vị trí dưới ruột).
  • Nằm lên cao và đặt sau ruột già (vị trí hồi manh tràng).

3. Tác dụng của ruột thừa:

  • Duy trì hệ vi khuẩn của đường ruột:

Theo nhiều nghiên cứu, ruột thừa là nơi sinh sôi và phát triển của các vi khuẩn đường ruột có lợi trong quá trình phục hồi sau tiêu chảy, kiết lị hoặc các bệnh tiêu hóa khác. Ruột thừa được ví như một ngôi nhà cho các lợi khuẩn sinh sống, hoạt động như một hồ chứa để điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.

Đặc biệt, trong trường hợp tiêu chảy nặng, hệ tiêu hóa bị “thất thoát” một lượng lớn vi khuẩn có ích thì vi khuẩn có lợi từ ruột thừa là vô cùng cần thiết để tái lập lại trật tự, tránh việc các vi khuẩn gây hại lợi dụng xâm nhập.

  • Hỗ trợ hệ thống miễn dịch và bạch huyết:

Ruột thừa được xác định là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch niêm mạc giúp loại bỏ chất thải trong hệ thống tiêu hóa và ngăn ngừa mầm bệnh phát triển.

Ngoài ra, các tế bào miễn dịch khác (tế bào lympho bẩm sinh) hoạt động trong ruột thừa còn giúp duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan của sự hiện diện ruột thừa và nồng độ mô bạch huyết manh tràng. Nói cách khác, ruột thừa không chỉ tiến hóa thành một phức hợp với manh tràng mà còn đem đến lợi ích miễn dịch lớn.

Chính vì vậy, khi chúng chưa hề gây ra những bất ổn nào trong cơ thể bạn thì tốt nhất bạn không nên tự ý cắt bỏ phần ruột thừa này.

4. Khi nào nên tiến hành cắt bỏ ruột thừa

Cắt bỏ ruột thừa được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có khối u hoặc bị viêm ruột thừa.

Dấu hiệu kinh điển của viêm ruột thừa là:

Đau trực tiếp tại vị trí ruột thừa ở hố chậu phải nhiều (điểm đau McBurney) , các dấu hiệu khác của viêm ruột thừa là cảm giác đau ở góc phần tư dưới bên phải khi sờ ở góc phần tư dưới bên trái (dấu hiệu Rovsing)

Sốt nhẹ là phổ biến.

Nhiều biến thể của triệu chứng và dấu hiệu viêm ruột thừa xảy ra ở > 50% số bệnh nhân. Đau có thể không khu trú, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ấn đau có thể lan hoặc không trong các trường hợp hiếm gặp. Nhu động ruột thường giảm hoặc mất, nếu có tiêu chảy cần nghi ngờ ruột thừa sau manh tràng.

Các triệu chứng không điển hình thường gặp ở những bệnh nhân cao tuổi và phụ nữ có thai; đặc biệt, đau nhẹ hơn và ít ghi nhận đau tại chỗ khi ấn

Do đó, nếu người bệnh khi có các dấu hiệu như: đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải hoặc đau thượng vị, quanh rốn sau đó đau khu trú bên hố chậu phải, kèm theo buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, chán ăn và sốt nhẹ thì nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa viêm, phẫu thuật nội soi là phương pháp được ưu tiên lựa chọn vì nhiều ưu điểm vượt trội:

  • Thời gian hồi phục nhanh hơn
  • Người bệnh ít đau hơn, hạn chế biến chứng
  • Vết mổ rất nhỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ

Nhìn chung, kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa không quá phức tạp, song người bệnh vẫn ưu tiên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có kinh nghiệm để điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam có bề dày 17 năm kinh nghiệm, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, tay nghề vững, là địa chỉ uy tín để người bệnh lựa chọn thăm khám và điều trị.

Để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến ruột thừa quý khách hàng và người bệnh vui lòng đăng kí phòng khám Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hoặc thông qua HOTLINE 1900561511.

BS.Nguyễn Thị Hương Giang-Khoa Ngoại tổng hợp

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 09 : 20