HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY Ở PHỤ NỮ
HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY Ở PHỤ NỮ
Hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân phổ biến gây tê và đau bàn tay, thường gặp ở những người làm những công việc sử dụng bàn tay nhiều, các động tác lặp đi lặp lại; các bà nội trợ...
Tỷ lệ nữ giới thường mắc bệnh nhiều hơn nam giới, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ sau khi sinh nở. Nguyên nhân là do sau sinh chị em sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng đặc biệt là sự thiếu hụt về canxi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thần kinh ngoại vi và suy giảm sức khỏe của sụn khớp, cộng thêm các chuyển động lặp đi lặp lại trong quá trình chăm sóc trẻ khiến cổ tay chịu nhiều áp lực, ảnh hướng tới cấu trúc các thành phần đi trong ống cổ tay.
- Triệu chứng:
Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm, thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì đó, như điện thoại hoặc hay lái xe honda. Khi lắc tay, rẩy tay thường làm giảm các triệu chứng này. Theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu và mất tinh tế như khó viết, khó cài khuy áo, đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ ở gò cái bàn tay.
- Cảm giác châm chích ngứa ran như kiến bò hay nóng rát các ngón tay
- Tê các ngón tay
- Đau các ngón tay hay đau lan lên cẳng tay
- Khô da
- Yếu cơ vùng ngón tay hay mô cái làm người bệnh khó cầm nắm
- Phương pháp điều trị
- Trường hợp chẩn đoán mức độ nhẹ và trung bình, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị đơn giản như:
- Mang nẹp cổ tay khi ngủ nhằm giữ cổ tay ở vị trí trung tính
- Ngâm tay nước muối ấm, xoa, mát xa vùng cổ tay và các ngón tay.
- Thay đổi hoạt động ở bàn tay để tránh các vị trí và cử động làm trầm trọng thêm triệu chứng.
- Tập vật lý trị liệu như tập nhúng sáp nóng, sóng siêu âm vùng cổ tay, xung điện trị liệu...
- Dùng các thuốc giúp giảm đau như kháng viêm Non-steroids, Vitamin B…
- Trường hợp mức độ trung bình:
- Bác sĩ sẽ tư vấn bạn tiêm CORTICOID tại chỗ chèn ép thần kinh, có thể làm các triệu chứng mất đi trong một thời gian nhưng thường sẽ tái phát.
- Trường hợp nặng:
- Bạn cần được phẫu thuật để điều trị dứt điểm, tránh những thương tổn thần kinh không hồi phục. Đây là một phẫu thuật nhỏ, bệnh nhân được gây tê tại chỗ, các phẫu thuật viên rạch da nhỏ vùng cổ tay, cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng dây thần kinh đang bị chèn ép.
- Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa tình trạng đau cổ tay, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Luôn duy trì cổ tay và ngón tay cái ở vị trí trung tính, tạo cảm giác thoải mái.
- Hạn chế lặp đi lặp lại những động tác ở cổ tay, bàn tay.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh sử dụng khớp cổ tay quá mức.
- Massage cổ tay và ngón tay thường xuyên để tăng lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng đau cổ tay sau khi sinh con.
- Thực hiện thường xuyên các bài tập đơn giản cho cổ tay và ngón tay. Điều này sẽ giúp tăng sự dẻo dai cho dây chằng và gân, chuyển động khớp linh hoạt.
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất cần thiết: bổ sung nhiều canxi, vitamin C, vitamin D, chất chống oxy hóa, protein, axit béo omega-3, phốt pho và magie. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chức năng xương khớp, tăng mật độ xương và phát triển cơ, đồng thời tăng sự dẻo dai cho gân và dây chằng, qua đó giúp ngăn ngừa đau cổ tay hiệu quả.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên quý người bệnh nên đến phòng khám Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Cơ xương khớp để được bác sĩ chuyên khoa khám và làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như đo điện cơ (EMG) để đánh giá mức độ bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
BSCKI. Trình Anh Hoàng-Khoa Ngoại chấn thương