• 1_c57acc4ca4
  • z3829789334821_3f23f8529ceecf0b7f7575ee0785101f_90c3caa467
  • z3829789352676_7e64d339ad8a31faeb9a6f4bb28fd89b_2862a361d7
  • z3829789200655_1c1d43bf83adf8e990122f3a4a06324f_2f4d5b1eee
  • z3829789371200_0e4d040a8cd40032f309eb9fc6b7a68f_06931c5dea
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa và khi phát hiện đột quỵ cần vào viện sớm?

Tuần vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã điều trị thành công một bệnh nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi. Bệnh nhân nam N.N.T. (41 tuổi, trú xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), bệnh nhân vào viện ở giờ thứ 2 với các triệu chứng méo miệng, nói khó, liệt hoàn toàn tay chân bên trái.

Chia sẻ chuyên môn từ Bác sĩ Lê Văn Huân - Chuyên khoa Nội tổng hợp.

Tại khoa Cấp cứu, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân được đánh giá đây là một tình trạng đột quỵ cấp tính, khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động ekip Đột quỵ. Sau khi đánh giá bệnh nhân, Bác sĩ khoa Nội tổng hợp đã nhận định đây là đột quỵ não thể thiếu máu não (Nhồi máu não) ở giờ thứ 2, mức độ nặng của bệnh được đánh giá trên thang điểm NIHSS: 15 điểm (mức độ khiếm khuyết thần kinh trung bình- nặng).

Bệnh nhân được làm một số cận lâm sàng cần thiết bao gồm xét nghiệm máu, đo điện tim, chụp CLVT sọ não, bệnh nhân được tiến hành bơm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sau 30 phút kể từ khi bệnh nhân vào cửa khoa Cấp cứu.

Sau 1 giờ, bệnh nhân bắt đầu cải thiện hơn, nói tiếng rõ hơn, dài hơn, có những cử động của tay chân bên trái. Sau 24 giờ bệnh nhân cải thiện rõ rệt, mức độ nặng của bệnh được đánh giá trên thang điểm NIHSS 15 điểm giảm còn 3 điểm. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị tại Đơn vị Đột quỵ - Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, được tầm soát các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đột quỵ, điều trị dự phòng thứ phát, tập phục hồi chức năng và dự kiến xuất viện sau vài ngày tới.

Bệnh nhân N.N.T. đã hồi phục sau khi được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Tại sao đột quỵ ngày càng trẻ hoá?

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu và được công nhận là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tàn tật ở người lớn. Trước đây, đối tượng đột quỵ thường xảy ra ở những người sau 45 tuổi.

Tuy nhiên, đột quỵ ngày càng trẻ hoá hơn, có những bệnh nhân được ghi nhận đột quỵ ở lứa tuổi rất nhỏ. Hiện nay với các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hoá như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu cùng với sự gia tăng số lượng bệnh nhân trẻ tuổi có thừa cân- béo phì.

Hơn nữa, người trẻ tuổi hiện nay có lối sống ngày càng không lành mạnh, không khoa học như thức khuya, sử dụng thường xuyên rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, đặt biệt là thuốc lá điện tử, thuốc tránh thai, công việc áp lực, stress,… và ít vận động, tập luyện thể dục thể thao. Đây là những yếu tố nguy cơ góp phần làm trẻ hoá tình trạng đột quỵ hiện nay.

Vậy khi phát hiện đột quỵ tại sao phải vào viện sớm?

Chẩn đoán đột quỵ kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tàn tật và tử vong. Mặc dù biểu hiện điển hình của đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ tuổi tương tự như ở người lớn tuổi, nhưng chính các triệu chứng không điển hình có thể gây ra thách thức cho việc chẩn đoán.

Dấu hiệu nhận biết được gói gọn trong dấu hiệu FAST được WHO phổ biến trên toàn thế giới nhằm phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu người bệnh có các dấu hiệu: Méo miệng, nói đớ, yếu liệt tay chân hoặc mất thăng bằng, nhìn đôi thì người bệnh, người thân nên đưa bệnh nhân đến cơ sở có triển khai điều trị đột quỵ để điều trị kịp thời.

 

Với nguyên tắc “Thời gian là não”, nếu mạch máu não được tái thông kịp thời trong “Thời gian vàng” với phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4.5 giờ và lấy huyết khối bằng dụng cụ trong 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng thì tỉ lệ hồi phục sẽ cao hơn, tỉ lệ tàn tật và tử vong sẽ thấp đi.

Với người bệnh là các ông bà, cha mẹ lớn tuổi, khi có những triệu chứng trên thì thường tâm lý chủ quan hoặc ngại làm phiền con cháu, không đến các cơ sở y tế ngay lập tức mà chờ tới sáng, chờ tới đầu tuần, chờ lúc nữa xem sao, xoa dầu, đấm bóp, chích máu đầu ngón tay hoặc đi những bệnh viện lớn hơn nhưng xa hơn làm lỡ mất “ Thời gian vàng” để điều trị đột quỵ rất đáng tiếc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, các k thuật điều trị hiện đại, tiên tiến hiện nay bao gồm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (triển khai từ năm 2015) và lấy huyết khối bằng dụng cụ (triển khai 2024) đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân đột quỵ.

Do đó, khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cấp thì ngay lập tức người thân, những người xung quanh phải vận chuyển họ đến bệnh viện có các k thuật trên càng sớm càng tốt, tiết kiệm tối đa thời gian cho bệnh nhân đến khi được điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ. Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ tối ưu khả năng hồi phục cho bệnh nhân.

Hãy lan tỏa thông điệp này đến cho chính người thân và cộng động của mình, nên nhớ “Thời gian là vàng”, “ Từng phút, từng giây là kim cương” ở bệnh nhân đột quỵ, biết đâu nó sẽ giúp ích cho chính bạn, chính người xung quanh của bạn khi có tình huống này xảy ra.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 103
Tháng 10 : 31